Phytoestrogen là hợp chất có nguồn gốc thực vật, được tìm thấy chủ yếu trong đậu nành. Hiện nay, sự an toàn và những tác động của hợp chất này vẫn còn đang tranh cãi. Những tác động có lợi của phytoestrogen có thể kể đến như giúp giảm khối u trong ung thư vú và một số loại ung thư khác, giảm u xơ, các triệu chứng mãn kinh, bệnh tim mạch, viêm, hội chứng chuyển hóa và béo phì. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra tác động có hại của loại hợp chất này. Phytoestrogen gây ức chế nội tiết lên mô sinh sản ở cả nam và nữ. Tuy vậy, những kết quả không mang nhiều ý nghĩa lâm sàng trên người vì đa số những nghiên cứu này được thực hiện trên động vật. Ví dụ kết quả nghiên cứu in vivo cho thấy phytoestrogen kích thích và là tác nhân giúp tế bào ung thư vú phát triển. Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố trên JAMA khi theo dõi 5000 bệnh nhân ung thư vú trong 4 năm lại cho thấy ở những người sử dụng đậu nành thường xuyên, tỉ lệ tái phát giảm 32% và tỉ lệ tử vong giảm 29% so với những người không hoặc ít sử dụng.
Nhiều nghiên cứu hồi cứu và tiến cứu không cho thấy mối liên hệ nào giữa việc tiêu thụ đậu nành và kết quả bất lợi trong điều trị vô sinh, thậm chí một số báo cáo cho rằng sử dụng đậu nành mang lại nhiều lợi ích. Một số thử nghiệm trên người và những động vật khác xác định không có khác biệt trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc khả năng sinh sản khi tiêu thụ lượng lớn (>100mg) isoflavon, trong khi một số báo cáo cho thấy chu kỳ bị kéo dài và gonadotropin suy giảm.
Trong số các phytoestrogen, isoflavone được tập trung nghiên cứu nhiều vì chúng có cấu trúc giống 17β-estradiol – dạng estrogen kích thích sự phát triển của nội mạc tử cung. Hai loại isoflavone chính có trong đậu nành là genistein và daidzein. Salsano và cộng sự nghiên cứu sự tiếp xúc của hai loại này với mẫu sinh thiết niêm mạc tử cung của bệnh nhân ở ngày chọc hút. Kết quả cho thấy tiếp xúc nhiều với genistein và daidzein làm giảm sự tăng sinh và biến đổi của các tế bào nội mạc tử cung. Tuy nhiên, những yếu tố ảnh hưởng trong thí nghiệm chưa được kiểm soát tốt và lượng isoflavone họ sử dụng lớn hơn nhiều so với chế độ ăn uống bình thường.
Như vậy, hiện tại vẫn chưa đủ bằng chứng để chứng minh tác dụng của đậu nành đối với sức khỏe sinh sản do đó cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn. Dựa trên những dữ liệu tính đến hiện tại, Amber R. Cooper cho rằng những phụ nữ mong muốn mang thai vẫn có thể sử dụng đậu nành như bình thường. Bên cạnh đó, chế độ ăn gồm các loại thực phẩm có chứa hàm lượng phytoestrogen thấp vẫn đem lại lợi ích cho sức khỏe.
CVPH. Nguyễn Thị Hồng Châu – IVFMDPN
Nguồn: To eat soy or to not eat soy: the ongoing look at phytoestrogens and fertility. Fertility and Sterility, https://doi.org/10.1016/j.fertnstert.2019.07.016