Ngất trong thai kỳ liên quan tới nguy cơ sinh non

0
1280
Ngất trong thai kỳ liên quan nguy cơ sinh non
Ngất trong thai kỳ liên quan nguy cơ sinh non
Khi mang thai, hệ tim mạch của người mẹ xảy ra nhiều thay đổi lớn như giảm trở kháng mạch máu, tăng thể tích máu, tăng nhịp tim, phì đại tâm thất trái… Tất cả những yếu tố ảnh hưởng huyết động này có thể có làm cho thai phụ dễ bị ngất. Ngất khi mang thai có thể chỉ là tình trạng mất ý thức thoáng qua không đáng ngại. Dù vậy, cũng nên lưu ý rằng, ngất cũng có thể là triệu chứng của bệnh lý tim mạch hoặc liên quan đến yếu tố tim mạch, có thể nguy hiểm đến tính mạng của mẹ.

Mới đây, một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu cho thấy mẹ bị ngất cũng có thể ảnh hưởng bất lợi cho thai. Nghiên cứu công bố trên Journal of the American Heart Association về tần suất ngất khi mang thai và các kết cục thai kỳ như sinh non, thai nhỏ so với tuổi thai, thai dị tật bẩm sinh…

Dữ liệu thu thập từ tháng 1/2015 đến 12/2014 tại Canada trên tổng số 496.061 trường hợp sinh sống. Tất cả các bệnh nhân tham gia nghiên cứu được chia thành 4 nhóm dựa vào thời điểm bị ngất trong thai kỳ theo tam cá nguyệt và số lần bị ngất.

Kết quả phân tích cho thấy:
  • Tỷ lệ ngất trong thai kỳ khoảng 9,7/1000 (95% CI 9,4 – 10 trên 1.000 trường hợp).
  • Khi so với nhóm không bị ngất khi có thai, ngất xảy ra nhiều hơn ở nhóm thai phụ trẻ tuổi (mang thai < 25 tuổi, 34,7% so với 20,8%, p < 0,01), thường mang thai lần đầu (52,1% so với 42,4%; p < 0,01). Những bệnh nhân ngất thường có tiền sử bệnh lý nội khoa mạn tính sẵn có (1,8% so với 1%, p < 0,01) bao gồm bệnh lý tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh lý về gan, lupus…
  • Khi phân tích theo thời điểm xảy ra ngất, 32,2% xảy ra ở tam cá nguyệt 1, 44,1% ở tam cá nguyệt 2 và 23,6% ở tam cá nguyệt 3. Khoảng 8% thai phụ ngất hơn 1 lần trong thai kỳ (377/4667).
  • Thai phụ có ngất khi mang thai có tỷ lệ sinh non cao hơn những trường hợp không bị ngất (16,3% so với 15%, p = 0,02). Tỷ lệ sinh non khác biệt có ý nghĩa thống kê tính theo thời điểm xảy ra ngất lần đầu tiên khi mang thai. Nhóm bệnh nhân bị ngất trong tam cá nguyệt 1 có tỷ lệ sinh non cao nhất, khoảng 18% so với ngất trong quý 2 và quý 3 của thai kỳ (lần lượt là 15,8% và 14,2%). Nhóm thai phụ bị ngất có tỷ lệ sinh non cao hơn nhóm không bị, tuy nhiên tỷ lệ sinh non không khác biệt theo số lần bị ngất.
  • Về trẻ sinh ra: trẻ nhẹ cân và nhỏ so với tuổi thai tăng nhẹ ở nhóm thai phụ bị ngất so với nhóm không bị. Tỷ lệ trẻ cân nặng nhỏ hơn tuổi thai và thai nhỏ ở nhóm bị ngất và không ngất lần lượt là 10,5% và 7,5% so với 9,7% và 6,8%).
Các tác giả của nghiên cứu cho rằng tỷ lệ thật sự của ngất trong thai kỳ có thể cao hơn vì đôi khi bà mẹ không nhận biết dấu hiệu của ngất và không đi khám. Ngoài ra, những trường hợp sẩy thai hoặc thai lưu đã bị loại ra khỏi nghiên cứu, nên chưa phân tích được hết những bất lợi trên thai khi mẹ bị ngất trong thai kỳ.

Nghiên cứu kết luận bà mẹ mang thai bị ngất, đặc biệt xảy ra trong tam cá nguyệt đầu của thai kỳ có thể tăng nguy cơ bất lợi cho thai, như sinh non hoặc thai nhỏ. Ngoài ra, theo dõi những bà mẹ từng bị ngất khi mang thai cho thấy nguy cơ mắc chứng loạn nhịp cũng tăng lên. Vì vậy, thai phụ bị ngất cần được khám thai thường xuyên hơn đề đánh giá sức khoẻ thai nhi, đánh giá bệnh lý nội khoa của mẹ cũng như theo dõi tình trạng tim mạch của mẹ sau sinh.

BS. Lê Tiểu My
 
Lược dịch từ: Incidence of Syncope During Pregnancy: Temporal Trends and Outcomes Journal of the American Heart Association2019;8 – 21 May 2019 https://doi.org/10.1161/JAHA.118.011608