Sử dụng Levothyroxine ở những phụ nữ có kháng thể kháng giáp peroxidase trước khi mang thai

0
1400
Sử dụng Levothyroxine ở những phụ nữ có kháng thể kháng giáp peroxidase trước khi mang thai
Sử dụng Levothyroxine ở những phụ nữ có kháng thể kháng giáp peroxidase trước khi mang thai

Sẩy thai là một biến chứng thường gặp nhất khi mang thai. Ước tính cứ 5 phụ nữ có thai thì sẽ có 1 phụ nữ sẩy thai. Sinh non cũng xảy ra trong khoảng 7% trường hợp, là nguyên nhân lớn nhất gây ra các biến chứng chu sinh cho trẻ, thậm chí là tử vong trong những trường hợp sinh cực non.

Không chỉ tác động đến sức khỏe thể chất, sẩy thai và sinh non có ảnh hưởng to lớn đến tinh thần của người phụ nữ cho lần mang thai tiếp theo cũng như tác động đến tài chính do chi phí trong điều trị.

Tác giả Thangaratinam và cộng sự, trong một tổng quan hệ thống của mình năm 2011 cho thấy có mối liên quan giữa kháng thể tự miễn giáp peroxidase (TPO-Ab) với sẩy thai (tỷ số odds 3,90; KTC 95% 2,48 – 6,12; P < 0,001) và sinh non (tỷ số odds 2,07; KTC 95% 1,17 – 3,68; P = 0,01), ngay cả trong trường hợp chức năng tuyến giáp bình thường (bình giáp).

Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sử dụng levothyroxine giúp giảm thiểu tỷ lệ sẩy thai và sinh non ở các trường hợp thai tự nhiên hoặc thụ tinh ống nghiệm. Guideline năm 2017 của Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ (American Thyroid Association – ATA) khuyến cáo “chưa đủ bằng chứng kết luận rằng việc sử dụng levothyroxine sẽ giảm nguy cơ sẩy thai ở những phụ nữ bình giáp mới mang thai lần đầu tiên và có TPO-Ab dương tính”, tuy nhiên, “sử dụng levothyroxine ở những phụ nữ bình giáp có TPO-Ab dương tính … và có tiền căn sẩy thai nên được cân nhắc nếu lợi ý nhiều hơn nguy cơ”.

Nhằm khẳng định nhận định trên, tác giả Dhillon-Smith cùng các cộng sự đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng, mù đôi, đa trung tâm ở những phụ nữ có chức năng giáp bình thường, tồn tại TPO-Ab và có tiền căn sẩy thai hoặc vô sinh (thử nghệm TABLET). Tổng cộng có 19.585 phụ nữ từ 49 bệnh viện trên Vương Quốc Anh được làm xét nghiệm kháng thể TPO và chức năng giáp, trong đó có 952 phụ nữ tham gia vào nghiên cứu và được phân ngẫu nhiên thành nhóm sử dụng 50 µg levothyroxine một ngày (476 phụ nữ) hoặc nhóm sử dụng giả dược (476 phụ nữ).

Kết cục chính của nghiên cứu là tỷ lệ thai sinh sống, định nghĩa là sinh tại thời điểm ít nhất là 34 tuần tuổi thai. Kết cục phụ của nghiên cứu là: tỷ lệ thai lâm sàng (tại 7 tuần tuổi thai), thai diễn tiến (12 tuần tuổi thai), tỷ lệ sẩy thai (trước 24 tuần tuổi thai), thai lưu (thai chết trong tử cung từ 24 tuần tuổi thai), thai ngoài tử cung, chấm dứt thai kỳ, tỷ lệ thai sinh sống trước 28 tuần, trước 34 tuần và trước 37 tuần tuổi thai, tuổi thai tại thời điểm sinh, cân nặng thai nhi lúc sinh, chỉ số Apgar 1 và 5 phút, biến chứng mẹ trước, trong và sau sinh.

Kết quả cho thấy, có 98,7% trường hợp có đủ dữ kiện để phân tích (940 trong tổng số 952 người tham gia nghiên cứu), trong đó 266 phụ nữ mang thai ở nhóm levothyroxin và 274 phụ nữ mang thai ở nhóm giả dược. Tỷ lệ sinh sống là 37,5% (176/470 trường hợp) ở nhóm levothyroxine và 37,9% (178/470 trường hợp) ở nhóm giả dược (nguy cơ tương đối (RR) 0,97, KTC 95% -6,6 – 5,8).

Kết quả trên cho thấy không có sự khác biệt giữa nhóm sử dụng levothyroxine và giả dược trong kết cục thai kì, bao gồm sẩy thai, sinh non và kết cục ở sơ sinh. Biến chứng nghiêm trọng xảy ra ở 5,9% trường hợp trong nhóm levothyroxine và 3,8% trường hợp trong nhóm giả dược (P = 0,14). Các kết cục phụ cũng không có sự khác biệt giữa hai nhóm.

Như vậy, sử dụng levothyroxine ở phụ nữ bình giáp có TPO-Ab dương tính không mang lại kết cục thai kỳ tốt hơn so với không sử dụng levothyroxine.

Nguồn:
Dhillon-Smith RK, Middleton LJ, Sunner KK, Cheed V, Baker K, Farrell-Carver S & Ghobara T (2019). Levothyroxine in Women with Thyroid Peroxidase Antibodies before Conception. New England Journal of Medicine.