Mẹ bị nhiễm HIV thì có nên cho con bú mẹ hay không?

0
1244
Mẹ bị nhiễm HIV thì có nên cho con bú mẹ hay không?
Mẹ bị nhiễm HIV thì có nên cho con bú mẹ hay không?

Được sự khuyến khích của hội betibuti, tôi tiếp tục đọc cuốn 68. Cuốn sách dành một phần khá dài để bàn về việc mẹ bị nhiễm HIV thì có nên cho con bú mẹ hay không? Cuối cùng lời khuyên là vẫn ưu tiên cho bú mẹ miễn là đang được điều trị ARV (thuốc kháng HIV). Khuyến cáo dịch rất sát tài liệu của WHO năm 2010 về vấn đề này. Đây là lời khuyên rất nguy hiểm nếu không hiểu đúng về vấn đề này.

Nếu bạn vào web của CDC hay AAP (HH Nhi Khoa Hoa Kỳ), tìm đọc phần chống chỉ định của sữa mẹ sẽ thấy một câu như vầy:

Không nên cho bú sữa mẹ ở trẻ sơ sinh khi mẹ bị nhiễm HIV, chống chỉ định này có thể khác nhau tuỳ theo quốc gia.

WHO kêu bú mẹ, CDC bảo không cho bú mẹ khi mẹ nhiễm HIV, vậy ai sai ai đúng?

Ở đây cả hai đều đúng, để tôi nói rõ hơn lý do của sự khác nhau này.

Trước tiên xin các bạn đừng vội bảo là dân Mỹ mê sct, chê sữa mẹ. Y tế Mỹ luôn khuyến khích cho bú mẹ, bé sinh ra sau khi tắm sạch sẽ, chíck K là đưa qua cho bú mẹ liền, bv nào cũng có ít nhất một chuyên viên tư vấn về sữa mẹ để hướng dẫn cho mẹ, y tá và bs luôn hướng dẫn và giúp đỡ cho các mẹ gặp khó khăn khi cho con bú. Chuyên viên tư vấn sữa mẹ bên đây phải học qua 12 lớp về kiến thức y khoa cơ bản, 90 giờ lý thuyết về sữa mẹ và ít nhất 300 giờ thực tập lâm sàng với người hướng dẫn mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Nếu học từ đầu mất cũng gần 2 năm, còn y tá đi học cũng mất cỡ 6 tháng.

Chuyện là như vầy (câu này quen không?)

Khi mẹ bị nhiễm HIV, mẹ có thể lây nhiễm sang con trong lúc mang thai, lúc sinh và trong thời gian cho con bú QUA SỮA MẸ. Bài này không bàn tới lây nhiễm khi mang thai hay khi sinh.

Nếu mẹ không được điều trị ARV, khả năng lây nhiễm HIV sang con qua sữa mẹ là khoảng 8.9%-14% theo số liệu ở Mỹ, và khoảng 12% theo số liệu của WHO, và tần suất lây nhiễm cao nhất trong 6 tháng đầu đời.

Nếu mẹ được điều trị ARV, tần suất lây nhiễm sang con giảm mạnh xuống còn khoảng 3% (số liệu trung bình).

Dựa trên thông tin này, vào năm 2010, WHO đưa ra guideline mới là khuyến cáo ưu tiên bú mẹ cho dù mẹ nhiễm HIV miễn là mẹ được duy trì điều trị ARV do khả năng lây nhiễm thấp, chỉ có 3%. Để giải thích cho sự thay đổi này, WHO đưa ra lý do như sau: ở các nước nghèo, đói ăn, thiếu nước sạch như Châu Phi, có những vùng tỷ lệ mẹ nhiễm HIV cao lên tới 30%. Nếu không cho những mẹ này cho con bú sữa mẹ, sẽ có hàng loạt trẻ em bị suy dinh dưỡng và chết bởi các bệnh nhiễm trùng, tiêu chảy, viêm phổi,… Mẹ còn không có cơm ăn, không cho con bú sữa mẹ thì con chết đói, chết bệnh thôi.

Vì lẽ đó, WHO đành phải hy sinh 3% trẻ sẽ bị mắc HIV để cứu lấy hàng loạt những đứa khác. Trong 100 đứa trẻ có mẹ nhiễm HIV, WHO chấp nhận hy sinh 3 đứa sẽ nhiễm HIV để cứu lấy 20-30 đứa hoặc hơn nữa khỏi bị suy dinh dưỡng và chết bệnh. WHO nhìn toàn cảnh trên toàn thế giới và muốn cứu lấy trẻ em ở nước nghèo nên đưa ra khuyến cáo mới này, WHO có lý của WHO khi làm vậy, vì cái lợi ích lớn mà phải hy sinh chấp nhân nguy cơ nhỏ hơn. Trong toàn bộ khuyến cáo của WHO, không có dòng nào đề cập tới số phận của 3% không may kia cả.

Thế nhưng khuyến cáo này chỉ có một số nước làm theo, và một số quốc gia vẫn giữ nguyên lập trường mẹ nhiễm HIV thì không cho con bú. Vì sao vậy?

Trên hoàn cảnh y tế ở quốc gia giàu có như Mỹ, chuyện con nít suy dinh dưỡng do thiếu ăn là gần như không thể xảy ra. Mẹ không thể cho con bú mẹ thì trẻ có sct miễn phí, thức ăn dặm miễn phí, chăm sóc y tế gần như miễn phí, nên nguy cơ suy dinh dưỡng là cực thấp. Khi lợi ích quá nhỏ, thì cái nguy cơ 3% kia trở nên lớn vô cùng. Bộ y tế Mỹ không thể chấp nhận nguy cơ con bị nhiễm HIV từ mẹ cho dù là chỉ có 3%. Nhiễm HIV không phải là tiêu chảy nhiễm trùng hay viêm hô hấp trên mà tự hết, đó là căn bệnh thế kỷ hiện tại vẫn chưa có thể trị dứt điểm, thiết nghĩ không cần phải nói thêm về sự nguy hiểm của căn bệnh này. Trong lúc này thì lợi ích của sữa mẹ không đủ bù cái nguy cơ nhiễm HIV kinh khủng kia.

Tưởng tượng mẹ nhiễm HIV sinh con ra xét nghiệm HIV âm tính, vừa uống thuốc ARV vừa cho con bú mẹ, nhìn con lớn phổng phao xinh xắn, tới thôi nôi con, bs báo rằng con bị nhiễm HIV, lúc dó cảm giác của bạn sẽ ra sao? Bạn có tránh khỏi sự hối hận cho tới chết không, mà không biết ai sẽ chết trước? Lúc đó sữa mẹ còn là niềm tự hào nữa không? Không biết người khuyên cho bú mẹ sẽ nghĩ gì?

Nên nhớ con mình là duy nhất đối với mình, không có thứ gì có thể thay thế.

Nói một cách dễ hiểu, khuyến cáo của WHO là cho con nhà nghèo, còn khuyến cáo của CDC là cho con nhà giàu. Nhà nghèo chấp nhận mất vài đứa để nuôi được đám con còn lại, nhà giàu không chấp nhận mất đứa nào hết, đứa nào cũng phải sống. Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột. vậy thôi.

WHO là tổ chức y tế thế giới, chuyên chăm lo sức khoẻ cho mấy xứ nghèo, nên có những chuyện không thích hợp ở các nước giàu. Đem guideline của WHO đi hỏi bên Mỹ thường là không ai biết.

Muốn đưa ra một khuyến cáo về sức khoẻ, người đưa ra lời khuyên phải hiểu về vấn đề sức khoẻ đó, phải nắm rõ hoàn cảnh dịch tể của vùng đó, gia đình và hoàn cảnh của từng cá nhân mà đưa ra lời khuyên thích hợp nhất. Còn lời khuyên phân nửa rất nguy hiểm vì người được khuyên cũng chỉ biết phân nửa và quyết định phân nửa theo định hướng.

Bạn theo kiểu con nhà giàu hay con nhà nghèo thì tự suy nghĩ đi nhé. Tôi thì khuyên không nên cho bú sữa mẹ nếu mẹ bị nhiễm HIV, trừ trường hợp nghèo rớt mồng tơi thì phải chấp nhận nguy cơ 3% không may kia. Đời vốn không công bằng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Infant Feeding and Transmission of Human Immunodeficiency Virus in the United States. Link: https://pediatrics.aappublications.org/content/131/2/391
  2. Contraindications to Breastfeeding or Feeding Expressed Breast Milk to Infants. Link: https://www.cdc.gov/breastfeeding/breastfeeding-special-circumstances/contraindications-to-breastfeeding.html
  3. Archived: Guidelines on HIV and infant feeding 2010. Link: https://www.who.int/maternal_child_adolescent/documents/9789241599535/en/

Bs. Hung Truong