Một nghiên cứu mới, được đăng trên tờ “Circulation”, cung cấp thêm một bằng chứng cho thấy việc cha mẹ hút thuốc có thể ảnh hưởng lâu dài lên sức khoẻ hệ thống tim mạch của con cái họ. Các tác giả cho rằng: “Để đạt được cái nhìn cụ thể hơn về những tác hại của việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động khi còn nhỏ, chúng tôi tiến hành khảo sát đầu tiên để xem liệu việc cha mẹ hút thuốc và vấn đề vệ sinh khói thuốc khi còn ở lứa tuổi nhi đồng có liên quan đến sự hiện diện của những mảng xơ vữa mạch máu ở động mạch cảnh trong giai đoạn trưởng thành hay không”.
Các nhà nghiên cứu theo dõi những người tham gia vào khảo sát Nguy cơ tim mạch ở thanh niên Phần Lan – một nghiên cứu tiền cứu tiến hành tại 5 thành phố lớn ở Phần Lan, nhằm đánh giá những nguy cơ của bệnh lý tim mạch khi còn nhỏ.
Trong năm 1980 và 1983, các nhà nghiên cứu thu thập thông tin về việc tiếp xúc với cha mẹ hút thuốc khi còn nhỏ. Dữ liệu siêu âm động mạch cảnh được thu thập khi những người tham gia đến tuổi trưởng thành vào năm 2001 hay 2007.
Năm 2014, các nhà nghiên cứu đo nồng độ cotinine trong máu khi còn nhỏ của những người tham gia, sử dụng những mẫu máu được thu thập và trữ lạnh từ năm 1980. Cotinine là một sản phẩm thoái giáng chính của nicotine và có thể được sử dụng như một chất chỉ điểm cho việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 84% trẻ trong những gia đình không có cha hoặc mẹ hút thuốc có nồng độ cotinine ở mức không phát hiện được trong mẫu máu của họ. Ngược lại, chỉ 62% trẻ từ những gia đình có cha hoặc mẹ hút thuốc và 43% trẻ từ những gia đình mà cả cha lẫn mẹ hút thuốc có nồng độ cotinine trong máu ở mức không phát hiện được.
Sau khi hiệu chỉnh các sai số khác, nguy cơ phát triển mảng xơ vữa ở động mạch cảnh khi trưởng thành ở những người tham gia đã từng tiếp xúc với ít nhất cha hoặc mẹ hút thuốc lá khi còn nhỏ cao hơn gấp 1,7 lần so với nhóm người có cha mẹ không hút thuốc lá.
Nguy cơ phát triển mảng xơ vữa ở động mạch cảnh cũng phụ thuộc vào việc liệu cha mẹ hút thuốc lá có cố gắng hạn chế chuyện tiếp xúc với khói thuốc lá cho con cái họ hay không. Những trẻ mà cha mẹ hút thuốc lá nhưng cố gắng hạn chế con mình tiếp xúc với khói thuốc lá có nguy cơ cao hơn 1,6 lần so với nhóm trẻ có cha mẹ không hút thuốc lá. Ngược lại, những trẻ mà cha mẹ hút thuốc lá và không hạn chế con mình tiếp xúc với khói thuốc lá phải đối mặt với nguy cơ phát triển mảng xơ vữa ở động mạch cảnh cao hơn gấp 4 lần so với nhóm trẻ có cha mẹ không hút thuốc lá.
Tác giả chính của nhóm nghiên cứu, Costan Magnussen, làm việc tại đại học Tasmania, Úc, cho rằng: “Tuy chúng tôi không thể khẳng định những trẻ có nồng độ cotinine trong máu ở mức phát hiện được trong nghiên cứu có phải là kết quả của việc tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động trực tiếp từ cha mẹ chúng hay không, nhưng chúng tôi biết rằng nguồn tiếp xúc đầu tiên với khói thuốc lá thụ động xảy ra tại nhà”.
Những phát hiện này cho thấy những trẻ có cha mẹ hút thuốc lá tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch khi trưởng thành, mặc dù nguy cơ này có thể thấp đi khi cha mẹ rèn luyện cho mình thói quen vệ sinh khói thuốc tốt – chẳng hạn như không hút thuốc lá trong khu vực xung quanh trẻ.
Magnussen nhấn mạnh rằng: “Đối với những bậc phụ huynh đang nỗ lực cai thuốc lá, họ có thể làm giảm một số nguy cơ tiềm ẩn lâu dài cho con cái họ bằng cách chủ động giúp con mình giảm tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá (ví dụ như không hút thuốc lá trong nhà, trong xe hơi hay chỉ hút thuốc ở những nơi xa con cái họ)”. Tuy nhiên, cách tốt nhất để đảm bảo sức khoẻ lâu dài cho hệ tim mạch của trẻ là các bậc phụ huynh nên đồng thời ngừng hút thuốc lá. Các tác giả kết luận rằng việc cha mẹ được thông tin về tác hại của việc mình hút thuốc lá lên sức khoẻ của trẻ, cả ở thời gian ngắn và lâu dài, là hết sức cần thiết.
(Nguồn: medicalnewstoday)