Contents
Một người đàn ông ở Vương quốc Anh có thể là người thứ hai từng được chữa khỏi HIV.
Một bệnh nhân nữa, vốn được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2003, dường như đã không còn HIV sau ca ghép tủy xương đặc biệt, theo một báo cáo mới.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng còn quá sớm để nói chắc chắn rằng người đàn ông đã được chữa khỏi dứt điểm HIV hay chưa. Nhưng bệnh nhân đã trải qua sự giảm tải lượng virus mà không cần dùng thuốc trong 18 tháng.
Ca bệnh này đánh dấu lần thứ hai các bác sĩ sử dụng thành công phương pháp điều trị đặc biệt để (dường như) loại bỏ virus khỏi cơ thể người. Bệnh nhân đầu tiên – được gọi là ‘bệnh nhân Berlin’ – tương tự đã được ghép tủy xương vào năm 2007 và đã được loại bỏ HIV trong hơn một thập kỷ.
“Bằng cách đạt được sự suy giảm tải lượng HIV ở bệnh nhân thứ hai nhờ cách tiếp cận tương tự, chúng tôi đã chứng minh rằng bệnh nhân ở Berlin không phải là một người dị thường và đó thực sự là phương pháp điều trị loại bỏ HIV ở hai người này,” theo tác giả nghiên cứu chính của công trình, bác sĩ Ravindra Gupta, giáo sư của Bộ môn Nhiễm trùng và Miễn dịch tại Đại học College London.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng cấy ghép tủy xương như vậy sẽ không gây hiệu quả như một liệu pháp tiêu chuẩn cho tất cả bệnh nhân nhiễm HIV. Cấy ghép như vậy có rủi ro cao và cả bệnh nhân Berlin và người đàn ông trong trường hợp lần này, được gọi là bệnh nhân London, cần cấy ghép để điều trị ung thư, chứ không phải HIV.
Nhưng các liệu pháp trong tương lai có thể nhằm bắt chước cách điều trị mà không cần công đoạn ghép tủy xương.
Báo cáo đã được công bố ngày hôm qua (5 tháng 3) trên tạp chí Nature.
Cấy ghép đặc biệt
Trước khi được cấy ghép, bệnh nhân ở London đã dùng thuốc kháng vi-rút để kiểm soát HIV. Năm 2012, anh được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch Hodgkin, một loại ung thư máu cần điều trị bằng ghép tủy xương, còn được gọi là ghép tế bào gốc tạo máu.
Các tế bào gốc được sử dụng để cấy ghép đến từ một người hiến tặng có đột biến gen tương đối hiếm gặp, có khả năng kháng HIV. Cụ thể, người hiến tủy này có đột biến gen mã hóa protein có tên CCR5, mà HIV sử dụng làm “cổng” để vào bên trong tế bào. Về cơ bản, đột biến này khiến HIV không thể xâm nhập vào tế bào của người.
Bệnh nhân ở London đã ngừng sử dụng thuốc điều trị HIV từ 18 tháng nay và không còn HIV, các nhà nghiên cứu cho biết. Họ sẽ tiếp tục theo dõi bệnh nhân để xác định xem anh ta đã được chữa khỏi dứt điểm chưa (có nghĩa là HIV không quay trở lại nữa).
Ca thứ 3?
Một ca thứ ba sau đó đã được công bố hôm nay (6 tháng 3), tại Hội nghị về Retrovirus và Nhiễm trùng cơ hội ở Seattle. Sinh thiết từ ruột và hạch bạch huyết của ‘bệnh nhân Düsseldorf này’, không cho thấy HIV sau ba tháng ngừng sử dụng thuốc kháng vi-rút – chỉ còn những đoạn gen còn sót lại không thể nhân lên, Annemarie Wensing thuộc Trung tâm Y tế Đại học Utrecht ở Hà Lan, người đã tham gia điều trị trong trườg hợp này, cho biết. Ca này giống như bệnh nhân ở Berlin và London, cô nói.
Các nhà nghiên cứu đang theo dõi một vài người khác bị nhiễm HIV và sau đó được ghép tủy xương từ một người có đột biến CCR5 trong một dự án hợp tác có tên là IciStem. Cũng như ba người đã được báo cáo cho đến nay, còn hai người khác chưa ngừng dùng thuốc kháng vi-rút, ông Javier Martinez-Picado thuộc Viện nghiên cứu AIDS IrsiCaixa ở Barcelona cho biết.
Phương pháp điều trị mới?
Trường hợp mới này là “một bằng chứng khác cho niềm tin rằng chúng ta có thể loại bỏ HIV trong các tình huống tương tự”, Tiến sĩ Amesh Adalja, một học giả cao cấp tại Trung tâm Y tế Johns Hopkins ở Baltimore, người không tham gia điều trị cho biết.
Adalja lưu ý rằng mặc dù bệnh nhân Berlin và bệnh nhân London được điều trị theo cách tương tự, nhưng việc điều trị của bệnh nhân Berlin còn gian nan hơn – ông ta đã được thực hiện hai ca ghép tủy xương cùng với chiếu xạ toàn thân. Báo cáo mới cho thấy rằng các bác sĩ không phải sử dụng một lộ trình điều trị mạnh mẽ như với bệnh nhân Berlin để đạt được thành công.
Mặc dù ghép tủy xương không thể là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho HIV, các bác sĩ có thể sử dụng những gì họ rút ra được trong những trường hợp đặc biệt này để cố gắng phát triển các phương pháp điều trị mới có thể được nhiều người sử dụng hơn, Adalja nói.
Ví dụ, bệnh nhân Berlin và bệnh nhân London “cho thấy rằng khi bạn loại bỏ CCR5, bạn có thể chữa trị hiệu quả cho những bệnh nhân này”, Adalja nói. Vì vậy, các bác sĩ có thể phát triển các cách khác để nhắm vào thụ thể CCR5, chẳng hạn như với liệu pháp gen, để ngăn chặn sự biểu hiện của gen.
Một liệu pháp gen như vậy sẽ rất khác so với những gì đã xảy ra với em bé sinh đôi ở Trung Quốc năm ngoái, những em bé được cho là đã được chỉnh sửa bộ gen bằng CRISPR để loại bỏ gen CCR5. Mục tiêu của việc chỉnh sửa như vậy, theo nhà khoa học đã thực hiện nó, là để giảm nguy cơ nhiễm HIV của trẻ sơ sinh. Nhưng trong trường hợp đó, những đứa trẻ đã được chỉnh sửa gen trước khi sinh và không nhiễm HIV trước đó.
Tham khảo:
- Gupta, R., Sultan, A. J., McCoy, L., Mok, H., Peppa, D., Salgado, M., … & Grant, P. (2019). HIV-1 remission following CCR5Δ32/Δ32 haematopoietic stem cell transplantation.
Nguồn tin từ LiveScience, NewScientist