Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam có tỷ lệ người mắc tăng huyết áp (cao huyết áp) gần 25% dân số (ước tính 23,4% năm 2015). Nhưng nhận thức chưa đầy đủ về tăng huyết áp khiến người dân chưa có sự quan tâm đúng mức đến bệnh này.
Theo TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong số khoảng hơn 12 triệu bệnh nhân tăng huyết áp tại Việt Nam thì hiện mới chỉ có 43,1% được thăm khám, chẩn đoán bệnh. Trong số này, chỉ có 14% bệnh nhân nhận được chăm sóc, điều trị và có phương pháp kiểm soát bệnh.
Như vậy, còn tới 56,9% (tương đương khoảng trên 6,5 triệu người) đang sống chung với tăng huyết áp mà không nhận thức được tình trạng bệnh tật của mình. Đáng nói là tăng huyết áp không được quan tâm đúng mức như vậy nhưng lại rất đáng sợ bởi đây là yếu tố chính dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ – hai trong số những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Cụ thể, TS. Trương Đình Bắc ước tính bệnh tim mạch và đột quỵ chịu trách nhiệm cho khoảng 30% số ca tử vong vì các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.
Trong khi đó, tăng huyết áp “không chừa một ai” vì bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào cũng có thể mắc tăng huyết áp, dẫu điều kiện kinh tế, môi trường có thể khác nhau. Nguy cơ mắc bệnh ngày càng tăng và tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng do thói quen tiêu thụ muối cao của người Việt. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, người Việt đang tiêu thụ muối trung bình là 9,4gr mỗi ngày (nam giới là 10,5gr và nữ giới khoảng 8gr), gần gấp đôi mức khuyến nghị của WHO là dưới 5gr/ngày.
Đã đến lúc nhận thức của cộng đồng về tăng huyết áp hay còn gọi là cao huyết áp phải được cải thiện để nhận biết và kiểm soát tình trạng bệnh phổ biến này.
Contents
Vậy tăng huyết áp là gì?
Cao huyết áp hay còn gọi là tăng huyết áp (hypertension), xảy ra khi áp lực máu lên các thành động mạch cao hơn so với bình thường. Khi đo huyết áp trong điều kiện đã ngồi nghỉ ngơi tại chỗ được khoảng tối thiểu 10 phút, cao huyết áp là khi chỉ số huyết áp tối đa đạt 140mmHg (huyết áp tâm thu – systolic)/huyết áp tối thiểu 90mmHg (huyết áp tâm trương – diastolic) hoặc cao hơn (lưu ý trong từng độ tuổi, giới tính thì các tiêu chí này có thể khác. Tham khảo thêm ở bài: Tìm hiểu chỉ số huyết áp bình thường theo độ tuổi).
Nếu chỉ số huyết áp của bạn cao hơn 120/80mmHg nhưng thấp hơn 140/90mmHg thì đó là tiền cao huyết áp.
Lưu ý, ở một số người, đặc biệt là những người trên 60 tuổi thì có nguy cơ huyết áp tâm thu cao hơn 140mmHg nhưng huyết áp tâm trương lại nhỏ hơn 90mmHg thì đây cũng là dấu hiệu của tăng huyết áp.
Có tới khoảng 90% bệnh nhân bị tăng huyết áp nguyên pháp, hay còn gọi là tăng huyết áp vô căn – thuật ngữ dùng để chỉ các trường hợp không xác định được nguyên nhân của bệnh tăng huyết áp rõ ràng. Trong khi đó, có khoảng 10% bệnh nhân bị tăng huyết áp thứ phát có nguyên nhân do một số bệnh tác động lên như thận, động mạch, tim và nội tiết hoặc do sử dụng thuốc tránh thai, thuốc chữa cảm, cocaine hoặc tiêu thụ rượu quá mức nhất định…
Triệu chứng của tăng huyết áp
Bạn đừng cố gắng tìm kiếm những triệu chứng rõ ràng của tăng huyết áp đối với cơ thể mình vì hầu hết những người bị tăng huyết áp không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nào mặc dù bệnh đang khá nghiêm trọng. Chỉ có số ít người gặp các triệu chứng không rõ ràng của tăng huyết như đau đầu, khó thở hoặc chảy máu cam.
Tăng huyết áp chỉ được phát hiện khi bạn thực hiện kiểm tra huyết áp định kỳ. Hiện các thiết bị theo dõi huyết áp khá phổ biến, có độ chính xác cao, thuận tiện nên sử dụng các thiết bị đo huyết áp là lời khuyên được các bác sỹ đưa ra để bạn phát hiện sớm nguy cơ bị tiền tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp.
Những nguyên nhân làm tăng huyết áp phổ biến ở người Việt
– Tuổi tác: Tình trạng tăng huyết áp càng trở nên trầm trọng hơn khi tuổi của người bệnh càng cao.
– Gia đình: Tăng huyết áp có xu hướng di truyền nên cần cẩn trọng theo dõi kỹ nếu người có quan hệ huyết thống bị tăng huyết áp
– Thừa cân hoặc béo phì: Những người thừa cân và béo phì cần máu để cung cấp oxy và dưỡng chất nhiều hơn nên cũng làm tăng áp suất lên thành mạch máu.
– Chế độ ăn uống: Tăng huyết áp có thể trầm trọng hơn do thói quen ăn quá nhiều muối, bia rượu, thuốc lá hoặc quá ít kali, vitamin D.
Nguyên nhân khác: stress hay một số bệnh mạn tính như thận, nội tiết… cũng làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp.