Mùa Kiến ba khoang tới gần: Cần làm gì khi tiếp xúc với kiến ba khoang

0
2378
Cần làm gì khi tiếp xúc với kiến ba khoang
Cần làm gì khi tiếp xúc với kiến ba khoang

[Trích sách sơ cứu sắp xuất bản]
KIẾN BA KHOANG
Nhân dịp vào mùa kiến Ba Khoang

Contents

A.Bạn cần biết:

Kiến ba khoang là côn trùng thuộc bộ cánh cứng có tên khoa học Paederus fuscipes là loài thiên địch hữu ích chuyên ăn bọ rầy hại lúa.

Loài này không đốt, cắn. Dịch tuần hoàn cơ thể chúng có chứa Pederin, chất gây viêm da do côn trùng.

Pederin có mặt trong dịch tuần hoàn của nhiều loài chân đốt khác nhau. Nó xuất hiện chủ yếu ở các con trưởng thành.

Nếu dùng tay đập, giết, hoặc miết kiến trên da, dịch tuần hoàn của kiến sẽ tiếp xúc với da gây kích ứng và viêm. Triệu chứng kích ứng thay đổi bắt đầu từ đỏ nhẹ, ngứa, đau rát đến bỏng rộp với những mụn nước không đều, sau vài ngày tiến triển thành phỏng mủ trắng.

B.Bạn cần làm:

1.Khi kiến ba khoang bám lên da, tuyệt đối không giết chúng. Dùng 1 tờ giấy sạch gạt hoặc dùng miệng thổi mạnh kiến ra khỏi cơ thể. Sau đó rửa sạch da bằng nước và xà phòng.

2.Nếu bị dịch tiết dính vào da, hay nghi ngờ tiếp xúc với kiến ba khoang. Hãy rửa vùng da tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng .

3. Nếu đau rát và ngứa, triệu chứng không nghiêm trọng, bạn có thể bôi thuốc làm dịu da: hồ nước có chứa kẽm oxit. Giai đoạn đầu mới tiếp xúc, bạn có thể bôi 1 chút thuốc mỡ Hydrocortisol 1% để chống viêm.

4.Hàng ngày vệ sinh vết tổn thương bằng dung dịch sát khuẩn trước khi bôi các chế phẩm làm dịu da khác.

5.Nếu triệu chứng nghiêm trọng, có nhiễm trùng da và hoại tử. Hoặc tổn thương ở vị trí ảnh hưởng đến thẩm mĩ, nguy hiểm như mắt, bộ phận sinh dục, niêm mạc. Vết thương diện tích rộng. Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được tư vấn dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn và giảm viêm.

6. Nếu viêm da ở trẻ nhỏ, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu, vì da trẻ rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương.

C.Nên và không nên

Đắp hạt đậu xanh nhai nát: Không có bằng chứng khoa học nào về việc dùng đậu xanh có tác dụng làm giảm tổn thương. Việc nhai sống hạt đậu xanh và nước bọt trong khoang miệng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển xâm nhập vào tổn thương da, làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Sử dụng các chế phẩm làm dịu da: kem lô hội, kem nghệ: chỉ có thể sử dụng vào giai đoạn sau, khi da bắt đầu lành. Bạn không nên dùng trong giai đoạn da trợt, loét sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng da.

Các chế phẩm từ nghệ cần chú ý phản ứng dị ứng.

Thông thường tổn thương da diễn biến khoảng 3-7 ngày sẽ đóng vảy, khô, không để lại sẹo, chỉ để lại đám da sẫm màu vài tháng mới hết.

Bác sĩ Hung Ngo