Phòng ngừa Streptococcus nhóm B khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh

0
1790
Phòng ngừa Streptococcus nhóm B khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh
Phòng ngừa Streptococcus nhóm B khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh

Streptococcus nhóm B (GBS – Group B Streptococcus) là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng sơ sinh. Nguyên nhân chủ yếu gây nhiễm Streptococcus nhóm B khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh là do nhiễm trùng từ hệ niệu dục và hệ tiêu hóa của mẹ. Khoảng 50% phụ nữ nhiễm GBS sẽ truyền sang con. Lây truyền dọc GBS thường xảy ra trong quá trình chuyển dạ hoặc sau khi vỡ ối. Nếu thai phụ không được dự phòng bằng kháng sinh khi chuyển dạ, khoảng 1-2% số trẻ sinh ra sẽ nhiễm GBS khởi phát sớm. Một vài yếu tố nguy cơ khác bao gồm tuổi thai dưới 37 tuần, trẻ nhẹ cân, vỡ ối kéo dài, viêm màng ối, mẹ trẻ tuổi và da đen. Trong số các trường hợp nhiễm GBS khởi phát sớm (GBS EOD), 72% xảy ra ở trẻ sơ sinh đủ tháng. Tuy nhiên trẻ sinh non lại có tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến GBS EOD cao hơn rõ rệt (lần lượt là 19,2% và 2,1%). Trẻ sơ sinh non tháng mắc GBS EOD có nguy cơ cao bị ngưng thở, cần được hỗ trợ kiểm soát huyết áp và chăm sóc tích cực.

Vào tháng 6/2019, Hiệp hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ đã công bố văn bản hướng dẫn trong sàng lọc và dự phòng nhiễm GBS khởi phát sớm với những điểm chính như sau:

  1. Dự phòng bằng kháng sinh truyền tĩnh mạch đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc phòng ngừa nhiễm GBS khởi phát sớm (EOD) ở trẻ sơ sinh được sinh ra từ những phụ nữ có kết quả cấy GBS trước sinh dương tính và những phụ nữ có các yếu tố nguy cơ nhiễm GBS trong khi sinh. Cả hai phương pháp dự phòng bằng đường uống hoặc tiêm bắp đều được chứng minh là có hiệu quả tương đương trong việc giảm GBS EOD.
  2. Tất cả phụ nữ mang thai nên được sàng lọc GBS trước sinh trong khoảng 36 0/7 tuần -37 6/7 tuần, trừ khi trước đó đã được sử dụng kháng sinh điều trị GBS vì nhiễm trùng GBS khi mang thai hoặc tiền sử sinh con bị nhiễm GBS trước đó.
  3. Tất cả những phụ nữ có nuôi cấy mẫu lấy từ trực tràng âm đạo trong khoảng 36 0/7 tuần -37 6/7 tuần dương tính với GBS nên được dự phòng bằng kháng sinh thích hợp trừ khi có khả năng mổ lấy thai khi màng ối còn nguyên vẹn.
  4. Nếu không rõ kết quả nuôi cấy GBS trước khi sinh thì nên dự phòng bằng kháng sinh trong khi sinh cho những phụ nữ có yếu tố nguy cơ mắc GBS EOD. Phụ nữ có nguy cơ bao gồm những người có nguy cơ chuyển dạ sinh non, bị vỡ ối trước chuyển dạ sinh non (PPROM) hoặc vỡ ối hơn 18 giờ hoặc bị sốt (nhiệt độ từ 38°C trở lên). Trong trường hợp có nghi ngờ nhiễm trùng ối nên sử dụng kháng sinh phổ rộng hơn là sử dụng loại kháng sinh chỉ nhắm vào GBS.
  5. Nếu một phụ nữ chuyển dạ không rõ tình trạng nhiễm GBS và không có các yếu tố nguy cơ nhiễm GBS nhưng có tiền sử nhiễm GBS trong thai kỳ trước thì nguy cơ mắc GBS EOD ở trẻ sơ sinh có thể tăng lên. Do đó, các bác sĩ cần cân nhắc để sử dụng kháng sinh thích hợp.
  6. Penicillin tiêm tĩnh mạch là kháng sinh hàng đầu để dự phòng, có thể thay thế bằng Ampicillin. Trong trường hợp thai phụ dị ứng với Penicillin có thể thay thế bằng Cephalosporin thế hệ 1 (Ví dụ Cefazolin). Đối với những phụ nữ có nguy cơ sốc phản vệ cao có thể thay thế bằng Clindamycin nếu kết quả cấy kháng sinh đồ của thai phụ nhạy với loại kháng sinh này.
  7. Test da để chẩn đoán dị ứng Penicillin có lợi trong các trường hợp dị ứng Penicillin nguy cơ thấp hoặc chưa rõ mức độ nghiêm trọng. Test da an toàn cho thai kì và nếu kết quả cho thấy không có phản ứng phản vệ độ 1 thì không cần sử dụng kháng sinh thay thế penicillin để dự phòng GBS EOD cũng như mang lại lợi ích lâu dài khi điều trị kháng sinh trong tương lai.
  8. Đối với những phụ nữ có nguy cơ sốc phản vệ cao sau khi tiếp xúc với penicillin nên được ghi chú rõ ràng trong hồ sơ bệnh án cũng như mẫu xét nghiệm kháng sinh đồ để kỹ thuật viên phòng thí nghiệm có thể lưu ý độ nhạy của mẫu với Clindamycin.
  9. Ở những phụ nữ có phản ứng phản vệ với Penicillin và không nhạy với Clindamycin, khuyến cáo sử dụng Vancomycin để thay thế dự phòng GBS. Liều vancomycin trong dự phòng GBS trong khi sinh nên dựa trên cân nặng và chức năng thận cơ bản (20 mg/kg tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ, với tối đa 2 gram mỗi liều).
  10. Trong trường hợp cần thiết, không nên trì hoãn can thiệp sản khoa chỉ để cung cấp 4 giờ dùng kháng sinh trước khi sinh. Các can thiệp sản khoa bao gồm sử dụng oxytocin, lóc ối hoặc mổ lấy thai khi có hoặc không có vỡ ối. Thực hành lâm sàng có thể cân nhắc dựa trên tình hình thực tế của bệnh nhân.

Nguồn: Prevention of group B streptococcal early-onset disease in newborns. ACOG Committee Opinion No. 782. American College of Obstetricians and Gynecologists. Obstet Gynecol 2019; 134:e19-40.