Ba nghiên cứu mới về thời gian sử dụng liệu pháp kháng sinh ngắn ngày

0
1460
Thời gian sử dụng kháng sinh bao lâu là phù hợp
Thời gian sử dụng kháng sinh bao lâu là phù hợp

Đầu tháng 6/2019, hai nghiên cứu mới công bố về nhiễm khuẩn đường tiểu ở nam giới và nhiễm khuẩn da và mô mềm đã chỉ ra rằng thời gian điều trị bằng kháng sinh ≤8 ngày không liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ thất bại trong điều trị.

Thời gian điều trị tối thiểu cần thiết cho những bệnh nhiễm khuẩn thông thường vẫn chưa được làm rõ ở nhiều tình trạng bệnh lý. Hai nghiên cứu quan sát hồi cứu đã được thực hiện để đánh giá ảnh hưởng của thời gian điều trị bằng kháng sinh (ngắn ngày và dài ngày) đến hiệu quả điều trị nhiễm khuẩn ở các đối tượng cụ thể.

Nghiên cứu của Claudia Ihm và cộng sự đánh giá điều trị nhiễm khuẩn da và mô mềm không biến chứng ở bệnh nhân nội trú.1

  • Bao gồm 207 bệnh nhân béo phì (BMI ≥30), suy tim hoặc có cả hai.
  • Những người tham gia được phân loại thành hai nhóm dựa trên thời gian điều trị bằng kháng sinh, nhóm ngắn ngày (≤8 ngày) và nhóm dài ngày (>8 ngày).
  • Điều trị thất bại xảy ra ở 22% bệnh nhân.
  • Trong phân tích nhóm ghép cặp điểm xu hướng (PSM), nhóm điều trị bằng kháng sinh dài ngày có tỷ lệ điều trị thất bại (29%) cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm điều trị bằng kháng sinh ngắn ngày (10%).

Nghiên cứu của George J. Germanos và cộng sự đánh giá điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở nam giới dựa trên dữ liệu bệnh nhân ngoại trú.2

  • Bao gồm 573 bệnh nhân nam ≥18 tuổi (tổng cộng 637 lượt khám bệnh) được phân loại thành hai nhóm dựa trên thời gian điều trị bằng kháng sinh, nhóm ngắn ngày (≤7 ngày) và nhóm dài ngày (>7 ngày).
  • Có 19% trường hợp đến khám được chẩn đoán có ≥1 yếu tố gây biến chứng (viêm bể thận, sỏi thận hoặc viêm tuyến tiền liệt) và có nhiều khả năng dẫn đến điều trị với thời gian dài hơn.
  • Tái phát nhiễm khuẩn đường tiết niệu xảy ra ở 32 bệnh nhân (5,6%) và điều trị bằng kháng sinh ngắn ngày không liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ tái phát.
  • Điều trị bằng kháng sinh dài ngày có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ tái phát ở bệnh nhân nam không có các yếu tố gây biến chứng.

Bàn luận

Hai nghiên cứu mới này nhắc lại vấn đề thời gian điều trị bằng kháng sinh cho nhiều bệnh nhiễm khuẩn chưa được nghiên cứu chặt chẽ và thường được xác định dựa trên kinh nghiệm thực hành lâm sàng. Trong cả hai nghiên cứu, mặc dù việc gia tăng tỷ lệ tái phát ở bệnh nhân điều trị bằng kháng sinh dài ngày vẫn chưa được làm rõ nguyên nhân (có khả năng là do đa yếu tố, bao gồm cả việc chẩn đoán sai) nhưng liệu pháp sử dụng kháng sinh ngắn ngày đã cho thấy kết quả tốt hơn và nên được áp dụng cho những tình trạng phù hợp.3

Đầu tháng 7/2019, một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine chỉ ra rằng, hầu hết bệnh nhân nội trú mắc viêm phổi cộng đồng được chỉ định kháng sinh với thời gian quá dài dẫn đến việc tăng nguy cơ gặp các biến cố có hại của thuốc.4

  • Bao gần 6500 bệnh nhân được điều trị viêm phổi khởi phát từ cộng đồng tại các bệnh viện của Michigan từ năm 2017 đến 2018, với thời gian điều trị bằng kháng sinh ít nhất là 4 ngày.
  • Gần 68% bệnh nhân được chỉ định kháng sinh với thời gian dài hơn so với thời gian ngắn nhất đạt hiệu quả điều trị theo khuyến nghị của các hướng dẫn (dựa trên thời gian ổn định trên lâm sàng, tác nhân gây bệnh và loại viêm phổi).
    • Tình trạng này ghi nhận ở 72% bệnh nhân viêm phổi cồng đồng (CAP) và 57% bệnh nhân viêm phổi bệnh viện (HAP)/viêm phổi liên quan thở máy (VAP).
  • Trung vị thời gian điều trị là 8 ngày và trung vị thời gian vượt quá khuyến nghị là 2 ngày.
  • Hơn 93% trường hợp kê đơn kháng sinh khi xuất viện có thời gian điều trị vượt quá khuyến nghị.
  • Điều trị bằng kháng sinh vượt quá thời gian khuyến nghị không liên quan đến việc giảm tỷ lệ xuất hiện các kết cục không mong muốn (bao gồm tử vong, tái nhập viện, nhập viện cấp cứu hoặc nhiễm Clostridium difficile).
  • Ở những bệnh nhân đã xuất viện, mỗi 1 ngày điều trị vượt quá khuyến nghị có liên quan đến việc tăng 5% tỷ lệ các biến cố có hại liên quan đến kháng sinh so với nhóm ngưng đúng thời điểm.

Những phát hiện trong nghiên cứu này giúp bổ sung thêm bằng chứng rằng liệu pháp kháng sinh ngắn ngày trong điều trị viêm phổi là an toàn, việc sử dụng kháng sinh trong thời gian dài hơn là không cần thiết và thậm chí còn có khả năng gây hại cho bệnh nhân.4

Bàn luận

Qua những phát hiện của hàng chục nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng và sau hơn một thập kỷ kể từ “lời kêu gọi đầu tiên” về việc chuyển sang sử dụng liệu pháp kháng sinh ngắn ngày, đã đến lúc cần điều chỉnh thực hành lâm sàng đối với các bệnh đã được nghiên cứu. Những phát hiện này cung cấp thêm bằng chứng ủng hộ quan điểm về thời gian sử dụng kháng sinh “ngắn hơn thì tốt hơn”.5

Cần thêm dữ liệu từ các nghiên cứu can thiệp trong tương lai, tập trung vào câu hỏi liệu việc giảm thời gian điều trị vượt quá khuyến nghị có làm cải thiện các kết cục khi xuất viện hay không.4

Những kháng sinh mới cũng cần thực hiện các nghiên cứu để so sánh việc sử dụng kháng sinh với thời gian điều trị truyền thống và thời gian điều trị ngắn hơn.5

Tài liệu tham khảo

  1. Ihm C et al. Treatment duration and associated outcomes for skin and soft tissue infections in patients with obesity and heart failure. Open Forum Infect Dis 2019 Jun; 6:ofz217. Link
  2. Germanos GJ et al. No clinical benefit to treating male urinary tract infection longer than seven days: An outpatient database study. Open Forum Infect Dis 2019 Jun; 6:ofz216. Link
  3. Wendy SA. Antibiotic Therapy: How Long Is Long Enough? NEJM Journal Watch. June 19. Truy cập 22/06/2019
  4. Vaughn VM et al. Excess Antibiotic Treatment Duration and Adverse Events in Patients Hospitalized With Pneumonia: A Multihospital Cohort Study. Ann Intern Med. [Epub ahead of print 9 July 2019] Link
  5. Spellberg B, Rice LB. Duration of Antibiotic Therapy: Shorter Is Better. Ann Intern Med. [Epub ahead of print 9 July 2019] Link 

Nguồn: Thông tin thuốc