Bệnh zona thần kinh khác giời leo: Đừng nhầm lẫn

0
3698
Biểu hiện trên da của bệnh zona thần kinh và giời leo khá giống nhau nên rất dễ nhầm lẫn
Biểu hiện trên da của bệnh zona thần kinh và giời leo khá giống nhau nên rất dễ nhầm lẫn

Biểu hiện trên da của bệnh zona thần kinhgiời leo khá giống nhau nên rất dễ nhầm lẫn. Để có hướng điều trị và phòng ngừa phù hợp, bạn cần phân biệt đúng hai bệnh lý này.

Contents

Phân biệt zona thần kinh và bệnh giời leo

1. Khái niệm

Zona thần kinh là một dạng nhiễm trùng da do sự tái hoạt động của virus Varicella zoster. Virus này ẩn theo các dây thần kinh bên trong cơ thể và bùng phát khi có điều kiện thích hợp. Chính vì phát sinh do virus nên zona có thể lây qua đường tiếp xúc.

Giời leo là tên gọi dân gian đề cập đến tổn thương bên ngoài da do tiếp xúc với con giời leo hoặc các loại côn trùng khác. Tuy nhiên vì biểu hiện lâm sàng giữa zona thần kinh khá giống với bệnh giời leo nên rất nhiều người nhầm lẫn giữa hai vấn đề sức khỏe này.

2. Biểu hiện lâm sàng

Mặc dù triệu chứng của hai bệnh lý khá giống nhau, tuy nhiên nếu chú ý bạn sẽ dễ dàng nhận thấy các điểm khác biệt.

Biểu hiện lâm sàng của zona thần kinh:

Zona thần kinh thường phát sinh triệu chứng khu trú dọc theo các dây thần kinh, phổ biến nhất ở cổ – vai – cánh tay hoặc đầu – quanh mắt – trán.

Zona thần kinh thường phát sinh triệu chứng khu trú dọc theo những dây thần kinh
Zona thần kinh thường phát sinh triệu chứng khu trú dọc theo những dây thần kinh

Ban đầu, da sẽ có xu hướng đỏ, hình thành các gờ cao hơn bề mặt da, mọc thành cụm hoặc rải rác. Sau 1 – 2 giờ sẽ hình thành những mụn nước nhỏ chứa dịch trong suốt, khó vỡ và thường tập trung thành cụm. Dần dần dịch sẽ chuyển sang màu đục, vỡ ra thành các vết loét, đóng vảy và để lại sẹo. Thời gian từ khi triệu chứng phát sinh đến khi lành sẹo kéo dài từ 20 – 30 ngày.

Bên cạnh các triệu chứng trên da, zona thần kinh còn biểu hiện qua các dấu hiệu khác như mệt mỏi, đau đầu, các hạch lân cận có thể sưng lên.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh giời leo:

Giời leo thực chất là tổn thương da do tiếp xúc nên mức độ ảnh hưởng thấp, thường chỉ khu trú tại vùng da tiếp xúc với côn trùng. Vì vậy, triệu chứng có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí da nào.

Giời leo có thể phát sinh triệu chứng ở bất cứ vị trí da nào
Giời leo có thể phát sinh triệu chứng ở bất cứ vị trí da nào

Triệu chứng trên da bao gồm da đỏ, ngứa rát và có thể xuất hiện các mụn nước mọc hoặc không. Với bệnh giời leo, triệu chứng biến mất khá nhanh chóng. Tính từ thời điểm phát sinh tổn thương da đến lúc lành sẹo chỉ kéo dài dưới 10 ngày.

3. Biến chứng

Zona thần kinh phát sinh do virus nên có thể để lại một số biến chứng ở dây thần kinh. Trong khi đó, bệnh giời leo hầu như không để lại bất cứ tổn thương nào nghiêm trọng.

Biến chứng của bệnh zona thần kinh:

  • Đau dây thần kinh ngay cả khi đã điều trị
  • Rối loạn cảm giác

Khắc phục zona thần kinh và bệnh giời leo

Vì không cùng căn nguyên nên cách khắc phục zona thần kinh và giời leo cũng hoàn toàn khác nhau. Việc áp dụng sai cách điều trị có thể khiến tổn thương da kéo dài và gây sẹo vĩnh viễn.

1. Điều trị zona thần kinh

Zona thần kinh thực chất là một dạng nhiễm trùng da cấp tính, vì vậy quá trình điều trị sẽ tập trung vào ức chế vi khuẩn bên trong cơ thể và bên ngoài da.

Điều trị zona thần kinh bao gồm sử dụng thuốc bôi ngoài da và thuốc uống
Điều trị zona thần kinh bao gồm sử dụng thuốc bôi ngoài da và thuốc uống

Điều trị tại chỗ:

Sử dụng thuốc sát khuẩn , Tím methyl 1%, Xanh methylene 1% hoặc dùng thuốc mỡ Acyclovir nhằm ức chế vi khuẩn trên da.

Trong trường hợp tổn thương da đau nặng, có thể dùng các loại thuốc gây tê tại chỗ như Lidocain gel hoặc Capsaicin.

Điều trị toàn thân:

Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc kháng virus đường uống để kìm hãm sự phát triển của virus gây bệnh.

Thông thường sẽ dùng Acyclovir 200mg: Uống 1 viên/ 5 lần/ ngày, mỗi liều cách 4 giờ, liên tiếp trong 7 ngày. Ngoài ra, có thể phối hợp với kháng sinh nếu nghi ngờ bội nhiễm.

Bên cạnh những triệu chứng trên da, zona thần kinh còn làm tăng thân nhiệt, gây mệt mỏi và nhức đầu. Để cải thiện tình trạng này, có thể dùng Paracetamol hoặc thuốc nhóm Diazepam.

Nếu cơn đau không đáp ứng với những loại thuốc này, có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng hoặc thuốc ức chế thần kinh.

2. Điều trị bệnh giời leo

Giời leo là một dạng của viêm da dị ứng tiếp xúc nên thường được điều trị tại chỗ.

Trước tiên cần vệ sinh da sạch, sau đó sử dụng thuốc steroid điều trị tại chỗ nhằm giảm ngứa và sưng. Tuy nhiên chỉ sử dụng thuốc không quá 10 ngày vì nhóm thuốc này có thể gây teo collagen, khiến da bị co rút và bào mòn.

Điều trị bệnh giời leo chủ yếu sử dụng kem và thuốc bôi ngoài
Điều trị bệnh giời leo chủ yếu sử dụng kem và thuốc bôi ngoài

Sử dụng thuốc chứa steroid có thể gây khô da, vì vậy bạn nên kết hợp với các loại kem dưỡng có khả năng làm dịu và bổ sung nước cho da.

Khi điều trị giời leo và zona thần kinh, cần hạn chế gãi lên vùng da bị tổn thương. Điều này có thể khiến da chảy máu và hình thành các vết sẹo sâu, khó lành.

Phòng ngừa zona thần kinh và bệnh giời leo

Mặc dù zona thần kinh và bệnh giời leo hiếm khi gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng, tuy nhiên tổn thương trên da do hai bệnh lý có thể gây ra cảm giác khó chịu, ngứa ngáy và bứt rứt. Chính vì vậy, bạn nên chủ động bảo vệ cơ thể khỏi các vấn đề này.

Biện pháp phòng ngừa zona thần kinh và giời leo:

  • Để hạn chế bệnh giời leo, bạn cần tránh để da tiếp xúc với loại côn trùng, hóa chất hoặc một số thành phần dễ gây dị ứng.
  • Virus gây bệnh zona tồn tại trong dây thần kinh và không thể ức chế hoàn toàn. Tuy nhiên bạn có thể ngăn ngừa bệnh tái phát bằng cách hạn chế những điều kiện thuận lợi cho virus phát triển như stress, ăn uống thiếu chất, mệt mỏi, hệ miễn dịch suy yếu,…

Như vậy có thể thấy zona thần kinh và bệnh giời leo là hai vấn đề sức khỏe có căn nguyên và tính chất hoàn toàn khác nhau.

Khi phát sinh trên da, bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán đúng tình trạng và tiến hành các biện pháp phù hợp. Tự xác định bệnh thông qua biểu hiện lâm sàng có thể dẫn đến tình trạng nhầm lẫn.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!