VIÊM GAN B VÀ SỮA MẸ – BÚ HAY KHÔNG BÚ?

0
1529
VIÊM GAN B VÀ SỮA MẸ - BÚ HAY KHÔNG BÚ?
VIÊM GAN B VÀ SỮA MẸ - BÚ HAY KHÔNG BÚ?

Sau bài hôm trước viết về HIV và sữa mẹ, tôi lại thấy có rất nhiều câu hỏi về vấn đề viêm gan siêu vi B (VGSVB) và bú mẹ. Có lẽ vì vgsvB rất thường gặp và làm các mẹ lo sợ.

Bài này sẽ bàn các điểm chính về vấn đề này.

VGSVB là một vấn đề sức khoẻ lớn trên toàn cầu, trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở các vùng Đông Nam Á rất cao.

Tỷ lệ mẹ mắc bệnh VGSVB trên thế giới vào khoảng 5%, trong khi có những vùng lên tới 50%.

Trong số những trường hợp nhiễm Siêu Vi Viêm Gan B (HBV), có tới 50% là từ mẹ sang con, tức là cứ 2 trường hợp mới thì có 1 là từ mẹ lây sang con, cho nên vấn đề phòng ngừa lây nhiễm từ mẹ sang con vô cùng quan trọng.

Mẹ có thể lây nhiễm HBV sang con trong lúc mang thai, lúc sinh và ngay sau sinh do máu mẹ truyền qua nhau thai trong cơn co tử cung, vỡ màng ối, tiếp xúc với máu mẹ trong lúc sinh.

Lây nhiễm lúc mang thai rất hiếm gặp vì nhau thai có thể chặn HBV xuyên qua, hầu hết là lây nhiễm trong lúc sinh và ngay sau sinh.

Contents

PHÒNG NGỪA LÂY NHIỄM HBV TỪ MẸ SANG CON.

Ngày xưa, khi chưa có vaccine ngừa HBV, tỷ lệ truyền sang con là 95%, tức là hễ mẹ bị VGSVB thì gần như chắc chắn con sẽ mắc bệnh.

Từ khi trẻ sơ sinh được chích ngừa HBV, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con giảm còn 4-5%.

Nếu trẻ được cho dùng HBIG ngay sau sinh có thể làm giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con nhưng quan trọng nhất vẫn là vaccine HBV.

Hiện nay khuyến cáo để phòng ngừa lây nhiễm HBV sang con thì trẻ sơ sinh nên được tiêm mũi vaccine HBV đầu tiên ngay sau sinh càng sớm càng tốt (<24h), sau đó thêm 2 mũi lúc 1-2 tháng và 6 tháng, và nên dùng HBIG sau lúc sinh vì nghiên cứu cho thấy giúp tăng cao hơn khả năng miễn nhiễm với HBV nếu so với chỉ có tiêm vaccine.

Trong trường hợp mẹ có lượng virus cao có thể được dùng HBIG trong ba tháng cuối thai kỳ và ngay sau sinh để giảm nguy cơ lây nhiễm cho con.

Trẻ sẽ được thử mức kháng thể và tầm soát HBV lúc 9-12 tháng để xác định có nhiễm bệnh hay không?

Nhờ vaccine mà biết bao nhiêu trẻ tránh khỏi nhiễm HBV, nhưng đáng buồn là vẫn có người antivax.

BÚ SỮA MẸ CÓ AN TOÀN KHÔNG?

Vì HBV đã được chứng minh là hiện diện trong sữa mẹ, nên có nhiều bs đã khuyến cáo mẹ không nên cho con bú sữa mẹ vì lo lắng nguy cơ lây nhiễm sang con.

Tuy nhiên đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, sau khi tổng hợp và phân tích từ nhiều nghiên cứu, các nhà kh đã kết luận rằng bú sữa mẹ không làm tăng nguy cơ lây nhiễm HBV từ mẹ, tức là bú mẹ hay bú sct đều có nguy cơ lây nhiễm HBV từ mẹ vào khoảng 4-5%. Mà số không may này là do vì lý do nào đó trẻ không tạo được miễn dịch với HBV.

Do đó, CDC và WHO đều khuyến cáo cho con bú sữa mẹ cho dù mẹ có bệnh VGSVB. Tuy nhiên, nếu mẹ bị nứt hay viêm núm vú gây chảy máu có thể sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm nên CDC khuyến cáo tạm thời ngưng cho bú, chăm sóc núm vú và hút bỏ sữa để không mất sữa. Khi lành lặn thì có thể cho con bú sữa mẹ trở lại. Vì điều này nên nếu mẹ có dư sữa thì hút ra đông lạnh để dành phòng trường hợp này. Vấn đề này thực ra không đủ số liệu để kết luận an toàn hay không nhưng để chắc ăn thì CDC cẩn thận khuyến cáo như thế.

Tóm lại, nếu mẹ bị VGSVB thì vẫn cho con bú mẹ bình thường, chỉ lưu ý trường hợp có nguy cơ chảy máu vào trong sữa.

Viêm Gan Siêu Vi C cũng tương tự như vậy, bú sữa mẹ không làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh và cũng lưu ý việc chảy máu vào sữa.

Các mẹ lỡ mắc bệnh viêm gan siêu vi B hay C an tâm cho con bú nếu muốn, đừng vừa cho bú vừa lo lắng. Nhưng nhớ là chích ngừa HBV đầy đủ theo lịch để phòng ngừa lây nhiễm cho con. Nếu con lỡ bị nhiễm cũng là xui xẻo thôi, đừng tự trách.

À mà tui thách mấy mẹ antivax mà có bệnh VGSVB đừng chích ngừa HBV cho con, thử coi 95% lây nhiễm hay 2 phần triệu tai biến cái nào đáng sợ hơn.

Tài liệu tham khảo

  1. Hepatitis B or C Infections. Link
  2. Should chronic hepatitis B mothers breastfeed? a meta analysis. Link
  3. Breastfeeding and chronic HBV infection: Clinical and social implications. Link
  4. Effects of hepatitis B immunization on prevention of mother-to-infant transmission of hepatitis B virus and on the immune response of infants towards hepatitis B vaccine. Link
  5. Breastfeeding is not a risk factor for mother-to-child transmission of hepatitis B virus. Link

Bs. Hung Truong