Vì sao mẩn ngứa lâu ngày không khỏi?

0
1688
Vì sao mẩn ngứa lâu ngày không khỏi?
Vì sao mẩn ngứa lâu ngày không khỏi?

Thường xuyên tiếp xúc với dị nguyên, ăn thực phẩm có khả năng kích ứng và chăm sóc da sai cách là những nguyên nhân phổ biến khiến mẩn ngứa lâu ngày không khỏi.

Contents

Tại sao mẩn ngứa lâu ngày không khỏi?

Mẩn ngứa là triệu chứng thường gặp trên da, đặc trưng bởi các nốt mẩn nhỏ, có màu đỏ và gây ngứa. Triệu chứng này có thể phát sinh do cơ thể bị dị ứng hoặc do những bệnh da liễu mãn tính như mề đay, vẩy nến, viêm da cơ địa,…

Mẩn ngứa thường bùng phát và thuyên giảm sau khoảng 1 – 2 tuần. Tuy nhiên nếu bạn không có các biện pháp chăm sóc đúng cách, triệu chứng này có thể tiếp diễn trong một thời gian dài.

Dưới đây là những nguyên nhân khiến mẩn ngứa lâu ngày không khỏi.

1. Tiếp xúc với tác nhân dị ứng

Mẩn ngứa là triệu chứng của da khi có phản ứng dị ứng xảy ra. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ giải phóng các thành phần trung gian (bao gồm serotonin và histamine) vào các mô da và làm phát sinh những triệu chứng lâm sàng.

Vì vậy để giúp mẩn ngứa thuyên giảm nhanh chóng, bạn cần tránh xa những tác nhân kích thích. Tuy nhiên nếu bạn vẫn tiếp xúc với bụi bẩn, phấn hoa, lông chó mèo, hóa chất,… triệu chứng trên da sẽ có xu hướng tiếp diễn và trở nên nghiêm trọng hơn trước.

2. Chế độ ăn không hợp lý

Chế độ dinh dưỡng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch. Nếu thường xuyên bổ sung những thực phẩm không phù hợp, hệ miễn dịch sẽ có xu hướng nhạy cảm và giải phóng nhiều thành phần trung gian vào da. Điều này sẽ khiến cho triệu chứng mẩn ngứa trở nên nghiêm trọng và dai dẳng hơn.

Thực phẩm chứa nhiều đường kích thích phản ứng viêm và làm nghiêm trọng triệu chứng mẩn ngứa
Thực phẩm chứa nhiều đường kích thích phản ứng viêm và làm nghiêm trọng triệu chứng mẩn ngứa

Đậu phộng, hải sản, đường, chất béo bão hòa,… là những loại thực phẩm có khả năng kích thích phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch, đồng thời thúc đẩy quá trình sưng viêm trên da. Hơn nữa, việc bổ sung những loại thực phẩm này có khiến da dễ bị ngứa và khó chịu.

3. Sử dụng sản phẩm dưỡng da không phù hợp

Kem dưỡng ẩm là sản phẩm giúp bổ sung nước và làm dịu làn da bị mẩn ngứa. Việc sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên còn phục hồi màng bảo vệ, củng cố cấu trúc da và hạn chế những triệu chứng tiêu cực phát sinh.

Tuy nhiên nếu bạn lựa chọn sản phẩm không thích hợp, tình trạng mẩn ngứa có thể trở nên nghiêm trọng và kéo dài.

Những loại kem dưỡng ẩm có chứa hương liệu, cồn và dầu khoáng chính là nguyên nhân khiến da bị kích ứng, gây bít tắc lỗ chân lông và xuất hiện các nốt mẩn đỏ.

4. Không chống nắng cho da

Tia UV trong ánh nắng mặt trời, bụi bẩn và kim loại nặng trong không khí có thể làm tổn thương cấu trúc và hình thành những gốc tự do bên trong da. Những gốc tự do này khiến da giảm khả năng đề kháng, hình thành nếp nhăn và dễ tổn thương khi có yếu tố kích thích.

Hơn nữa, nhiệt độ từ ánh nắng mặt trời có thể thúc đẩy tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, dẫn đến việc sản sinh quá nhiều dầu và bã nhờn. Điều này khiến lỗ chân lông dễ bị bít tắc, vi khuẩn sinh sôi và lây lan các nốt mẩn ngứa trên diện rộng.

5. Sử dụng rượu bia

Rượu bia là tác nhân gây tổn thương và suy giảm chức năng gan. Nếu bạn thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn, khả năng thanh lọc và chuyển hóa của gan sẽ suy giảm dần. Điều này khiến cơ thể dễ bị dị ứng khi thu nạp những thực phẩm khó chuyển hóa như thức ăn nhanh, hải sản,…

Rượu bia làm suy giảm chức năng gan và gây phát ban, nổi mẩn đỏ
Rượu bia làm suy giảm chức năng gan và gây phát ban, nổi mẩn đỏ

Bên cạnh đó, những người bị dị ứng hoặc không dung nạp rượu bia có thể bị phát ban, nổi mẩn ngứa sau khi sử dụng những đồ uống này.

6. Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Sử dụng thuốc trong điều trị dài hạn là một trong những nguyên nhân khiến mẩn ngứa trên da kéo dài. Tuy nhiên các triệu chứng trên da do thuốc điều trị đều là phản ứng thông thường, báo hiệu cho việc thuốc đang hoạt động trong cơ thể.

Những loại thuốc có khả năng gây mẩn ngứa và phát ban trên da bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị đái tháo đường,…

7. Căng thẳng

Căng thẳng là một trong những yếu tố kích thích triệu chứng của các bệnh da liễu mạn tính phát sinh (vẩy nến, viêm da cơ địa, mề đay mạn tính,…).

Nếu bạn bị căng thẳng kéo dài, không chỉ cơ thể mệt mỏi, suy nhược mà các triệu chứng trên da cũng có tiến triển dai dẳng và khó điều trị hơn.

Ngoài ra, triệu chứng mẩn ngứa lâu ngày không khỏi cũng có thể là biểu hiện lâm sàng của bệnh tiểu đường, nhiễm giun sán, các vấn đề về gan và mật, bệnh lý do rối loạn miễn dịch (lupus ban đỏ, bệnh vẩy nến,…).

Căng thẳng là nguyên nhân khiến mẩn ngứa trên da kéo dài dai dẳng
Căng thẳng là nguyên nhân khiến mẩn ngứa trên da kéo dài dai dẳng

Cách khắc phục mẩn ngứa lâu ngày không khỏi

Mặc dù mẩn ngứa không phải là tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, nhưng nếu bạn không tiến hành khắc phục các triệu chứng trên da có thể gây ngứa ngáy dữ dội và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống.

Vệ sinh da đúng cách, dùng kem dưỡng ẩm thích hợp,… là các biện pháp cải thiện mẩn ngứa trên da
Vệ sinh da đúng cách, dùng kem dưỡng ẩm thích hợp,… là các biện pháp cải thiện mẩn ngứa trên da

Những biện pháp khắc phục mẩn ngứa lâu ngày không khỏi:

  • Tránh xa những tác nhân có khả năng gây dị ứng như một số loại thực phẩm, phấn hoa, lông chó mèo, hóa chất,…
  • Hạn chế sử dụng rượu bia, hút thuốc lá và dùng chất kích thích.
  • Vệ sinh nhà cửa và giặt giũ mền, gối, chăn thường xuyên để hạn chế vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi.
  • Thận trọng khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc cơ thể (dầu gội, sữa tắm, sữa dưỡng thể,…). Nên lựa chọn những sản phẩm dịu nhẹ, không chứa hương liệu và các thành phần hóa học.
  • Chú ý trong việc lựa chọn bột giặt và nước xả vải. Một số sản phẩm có thể ứ đọng trong quần áo, ma sát với da và gây ra các nốt mẩn ngứa. Đồng thời cần mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và có chất liệu thấm hút để tránh tình trạng ra mồ hôi quá mức.
  • Hạn chế các hoạt động thể chất trong thời tiết nắng nóng. Nếu cơ thể đổ quá nhiều mồ hôi, bạn nên vệ sinh thường xuyên để cải thiện mẩn ngứa trên da.
  • Uống nhiều nước nhằm giúp cơ thể thanh lọc các chất độc hại và làm giảm thân nhiệt. Bên cạnh đó, việc uống đủ nước sẽ làm giảm tác dụng không mong muốn của các loại thuốc điều trị đối với làn da.
  • Trao đổi với bác sĩ để lựa chọn được sản phẩm kem dưỡng ẩm và loại thuốc bôi da phù hợp.
  • Luyện tập yoga, thư giãn, đọc sách và giảm khối lượng công việc nhằm giảm căng thẳng và điều tiết cảm xúc.
  • Sử dụng kem chống nắng và thực hiện các biện pháp che chắn khi phải hoạt động và di chuyển bên ngoài.
  • Giữ vệ sinh và thông thoáng cho da. Nên vệ sinh da 2 lần/ ngày để tránh vi khuẩn và dầu thừa ứ đọng trong lỗ chân lông.
  • Thăm khám và điều trị các bệnh lý về gan, mật, nhiễm giun sán,…
  • Tránh gãi và cào lên các nốt mẩn ngứa. Điều này có thể gây chảy máu, mưng mủ và nhiễm trùng da.

Nếu bạn nghiêm túc trong quá trình điều trị, tình trạng mẩn ngứa lâu ngày không khỏi sẽ có những chuyển biến tích cực. Trong trường hợp mẩn ngứa đi kèm với các triệu chứng đặc biệt, bạn nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán đúng tình trạng và tiến hành khắc phục kịp thời.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!