Vai trò của thuốc lá điện tử (E-Cigarette) đối với việc cai thuốc lá trên bệnh nhân ung thư?

0
1774
Vai trò của thuốc lá điện tử (E-Cigarette) đối với việc cai thuốc lá trên bệnh nhân ung thư?
Vai trò của thuốc lá điện tử (E-Cigarette) đối với việc cai thuốc lá trên bệnh nhân ung thư?

Trong 15 năm qua, thị trường kinh doanh thiết chứa nicotine thay thế thuốc lá truyền thống ngày càng phát triển nhanh chóng- còn được gọi là e-cigarettes (Thuốc lá điện tử- TLĐT). TLĐT mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá thông thường. Nhưng khác với thuốc lá thường, thuốc lá điện tử không tạo khói mà tạo ra luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật. TLĐT được các nhà sản xuất quảng cáo trên thị trường với khả năng loại bỏ các chất độc và mùi khó chịu chứa trong thuốc lá điếu.

Dung dịch bên trong thường là glycerol có trộn nicotine theo hàm lượng nhất định tùy theo lựa chọn người dùng.

Do TLĐT là sản phẩm mới trên thị trường và số lượng người dùng tăng lên quá nhanh, việc kiểm soát và ban hành luật vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Thuốc lá điện tử
Thuốc lá điện tử

Việc sử dụng TLĐT rất phổ biến song lại thiếu hụt các bằng chứng về ảnh hưởng của chúng lên sức khỏe, điều này dẫn đến nhiều tranh cãi chưa rõ ràng về lợi ích và tác hại của TLĐT . Những ảnh hưởng tiềm tàng lên sức khỏe của TLĐT còn phức tạp hơn khi đối tượng sử dụng là những người trẻ và người trưởng thành nghiện thuốc lá. Tuy nhiên, trong khuôn khổ hạn hẹp, bài viết này sẽ chỉ tập trung cụ thể vào những lợi ích và tác hại của TLĐT đối với việc bỏ thuốc lá trên nhóm bệnh nhân ung thư đang nghiện hút thuốc lá điếu. Bằng chứng trong bài viết này được sử dụng để đưa ra hướng dẫn sử dụng TLĐT trong việc cai thuốc lá trên bệnh nhân ung thư.

Contents

Tác hại của thuốc lá đến bệnh nhân ung thư

Trước tiên, điều quan trọng cần được nói đến đó là hút thuốc lá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong ở người bệnh.

Ước tính có đến 48% ca tử vong do ung thư liên quan đến hút thuốc lá điếu bởi vì hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra 12 loại ung thư. Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở người bệnh cũng như hình thành các bệnh lý tim mạch, bệnh mạch máu não, bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính.

Hơn thế nữa, hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh lý liên quan đến các cơ quan hệ thống khác nhau và đặc biệt có liên quan tới các bệnh lý nhiễm khuẩn phổi bao gồm phế cầu, cúm, lao…; tác dụng lên hệ thống sinh sản như giảm khả năng sinh sản ở nữ, rối loạn cường dương, sinh non, thai ngoài tử cung…; bệnh lý thấp khớp, suy giảm sức khỏe chung khi mắc các bệnh lý khác. Nhìn chung, việc hút thuốc lá gây ra nguy cơ mắc phổ các loại bệnh lý rất rộng, là nguyên nhân gây ra 468, 000 cái chết cho bệnh nhân ở Mỹ.

Vậy hút thuốc lá liên quan gì đến bệnh ung thư?

Theo dữ liệu báo cáo năm 2014 của U.S. Surgeon General cho thấy đa số các nguy cơ có hại do hút thuốc lá gây ra đều tồn tại dai dẳng sau khi bệnh nhân được chẩn đoán ung thư. Nghiên cứu trên những bệnh nhân ung thư chỉ ra mối quan hệ nguyên nhân – hệ quả giữa việc hút thuốc lá và một số yếu tố bao gồm:

  1. Biến cố bất lợi đầu ra,
  2. Tăng nguyên nhân và tỷ lệ tử vong do ung thư,
  3. Tăng nguy cơ ung thư thứ phát do hút thuốc lá như ung thư phổi.

Bên cạnh đó, các bằng chứng khoa học cũng chỉ ra mối tương quan giữa hút thuốc lá với việc tăng nguy cơ tái phát, đáp ứng điều trị dè dặt hơn, tăng độc tính khi điều trị.

Tóm lại, tiếp tục duy trì việc hút thuốc lá sau khi bị chẩn đoán ung thư gây ra một ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiên lượng, khả năng sống sót và việc điều trị bệnh. Do đó, ngừng hút thuốc lá sau khi bị chẩn đoán ung thư là việc ưu tiên hàng đầu và sử dụng các liệu pháp hỗ trợ việc bỏ hút thuốc lá cũng được quan tâm trên những bệnh nhân này.

Hút thuốc lá có liên quan gì đến bệnh ung thư?
Hút thuốc lá có liên quan gì đến bệnh ung thư?

Theo báo cáo năm 2014 của Surgeon General và các bằng chứng trong các nghiên cứu trước đây, tỷ lệ gặp biến cố bất lợi có xu hướng tăng cao đối với bệnh nhân ung thư tiếp tục hút thuốc lá. Như vậy, việc ngừng hút thuốc lá rất quan trọng trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư. Không chỉ có ý nghĩa đối với những loại ung thư có nguy cơ cao mắc phải do hút thuốc lá, mà việc bỏ thuốc lá còn có ảnh hưởng trên những loại ung thư mà nguy cơ mắc phải không liên quan đến thuốc lá, điều này đã được chứng minh trên hai nhóm bệnh nhân ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt – hai loại ung thư không thuộc nhóm ung thư có nguy cơ cao mắc phải do hút thuốc lá.

Trong giai đoạn 2008-2014 ở Hoa Kỳ, trung bình tỷ lệ sống sót trong 5 năm của BN ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt rất cao, lần lượt là 91%, 99%. Việc tiếp tục hút thuốc là một nguy cơ tăng tỷ lệ tử vong trên những bệnh nhân này. Như vậy, ngừng hút thuốc lá rất quan trọng trên tất cả các đối tượng bệnh nhân ung thư khác nhau.

Danh sách dài liệt kê các biến cố có hại do hút thuốc lá gây ra minh chứng cho việc hút thuốc lá là một gánh nặng rất lớn cho xã hội và cũng là một vấn đề khó quản lý.

Do đó, bất cứ một liệu pháp can thiệp nào có thể làm tăng hiệu quả của việc cai thuốc lá trên bệnh nhân ung thư đều được cân nhắc xem xét trong quá trình điều trị và chăm sóc.

Lợi ích của TLĐT trong việc cai thuốc lá?

Đến thời điểm hiện tại, hiệu quả của việc sử dụng TLĐT để cai thuốc lá vẫn còn chưa rõ ràng. Một số nghiên cứu quan sát đã chỉ ra rằng người sử dụng TLĐT có xu hướng khó bỏ thuốc lá hơn nhóm người không sử dụng TLĐT . Tuy nhiên, kết quả các nghiên cứu này bị nhiễu bởi vấn đề “confounding by indication”, đó là đối tượng hút thuốc lá mà sử dụng TLĐT thường là những người nghiện nicotine nặng, do vậy đây cũng là đối tượng ít có khả năng bỏ thuốc lá hơn.

Bằng chứng lâm sàng mạnh mẽ chứng minh TLĐT có ý nghĩa trong việc bỏ thuốc lá đến từ một thử nghiệm ngẫu nhiên công bố năm 2013, được tiến hành tại New Zealand [1].

Kết quả nghiên cứu cho thấy sử dụng TLĐT có hiệu quả cai thuốc lá tương đương miếng dán nicotine với RR (Relative Risk) là 1,26 (95% CI [0,68 – 2,34]). Điều đáng tin cậy là sự tương đương về hiệu quả cai  thuốc lá của TLĐT trong nghiên cứu được so sánh với một liệu pháp hỗ trợ cai thuốc lá đã từng được chứng minh hiệu quả trước đây (miếng dán nicotine). Không chỉ vậy, kết quả một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng gần đây nhất cũng đã cho thấy sử dụng TLĐT có ý nghĩa đáng kể trong việc cai thuốc lá [2].

Người sử dụng thuốc lá được phân ngẫu nhiên vào hai nhánh, một nhánh gồm 438 bệnh nhân sử dụng TLĐT , một nhánh gồm 446 bệnh nhân sử dụng liệu pháp thay thế nicotine (NRT – nicotine replacement therapy) được đề xuất theo sở thích lựa chọn của bệnh nhân. Nhóm bệnh nhân sử dụng TLĐT có xu hướng cai được thuốc lá cao hơn so với nhóm bệnh nhân sử dụng NRT trong thời gian theo dõi một năm, với RR là 1,83; CI 95% [1,20 – 2,58]).

Kết quả nghiên cứu này rất đáng giá vì nghiên cứu đã được tiến hành quy mô lớn, là thử nghiệm ngẫu nhiên đối chứng với nhóm sử dụng NRT – các liệu pháp đã được chứng minh có hiệu quả trong việc cai thuốc lá trước đó.

Thuốc lá điện tử được đưa ra giả thuyết là một công cụ cai thuốc lá mạnh mẽ dựa trên những lý do sau:

1) TLĐT cung cấp liều nicotine cao hơn cho người dùng so với NRT và liều tương đương với thuốc lá thông thường;

2) TLĐT mô phỏng được chuyển động tay miệng của việc hút thuốc lá thông thường. Hiện nay đây là các bằng chứng mạnh mẽ để ủng hộ giả thuyết này.

Tác hại của TLĐT?

Tác hại của thuốc lá điện tử
Tác hại của thuốc lá điện tử

Từ những bằng chứng cho thấy sử dụng TLĐT có hiệu quả cai thuốc lá, việc nghiên cứu các nguy cơ khi sử dụng TLĐT là điều rất cần thiết. Thuốc lá điện tử chỉ mới xuất hiện trong những năm gần đây và còn nhiều điều cần được nghiên cứu về tác dụng phụ của chúng đối với sức khỏe.

Chất lỏng điện tử (e-liquid) – một thành phần chính tạo ra hơi thuốc lá điện tử có nồng độ nicotine đa dạng, chất tạo hương và chất hút ẩm khác nhau, khi được đun nóng, chúng tạo ra luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật. Các chất tạo hương sử dụng trong TLĐT đã được FDA phê duyệt, tuy nhiên, tính an toàn của các chất này dưới trạng thái đun nóng và dạng hơi vẫn chưa được sáng tỏ.

Chất hút ẩm (Humectants) được sử dụng để làm cho hơi nước trông giống như khói. Một trong những chất hút ẩm thường được sử dụng trong e-cigarettes là propylene glycol, chất này thường được sử dụng để tạo khói giả song ảnh hưởng lên sức khỏe của propylene glycol khi hít trực tiếp vẫn chưa được xác định rõ ràng. Kim loại cũng đã được phát hiện trong bình xịt e-cigarettes, nguồn gốc có thể đến từ các cuộn dây đốt nóng.

Một phân tích tổng quan của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia (NASEM – National Academies of Sciences, Engineering, and Medicine) về các nghiên cứu đánh giá những biến cố bất lợi của việc sử dụng TLĐT đã nhấn mạnh rằng tuy còn nhiều điều chưa hoàn toàn sáng tỏ song tác động ngắn hạn lên sức khỏe và nguy cơ độc tính của TLĐT ít hơn nhiều so với thuốc lá thuốc thông thường. Tuy nhiên, sử dụng TLĐT cũng có thể liên quan đến các tác hại lâu dài như tăng nguy cơ ung thư và các bệnh mạn tính khác.

Phạm vi đầy đủ về tác động lên sức khỏe của thuốc lá điện tử vẫn chưa được mô tả đầy đủ, nhưng TLĐT chắc chắn là một nguồn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Rõ ràng, nguy cơ độc tính khi sử dụng TLĐT cao hơn đáng kể so với các liệu pháp cai thuốc lá đã được chứng minh như NRT.

Ngược lại, đây là lý do rất quan trọng để xem xét khái niệm giảm tác hại – cân bằng các tác hại tiềm ẩn của TLĐT so với các tác động bất lợi đã biết của thuốc lá thuốc lá thông thường. Báo cáo của NASEM kết luận rằng TLĐT có khả năng gây tác động bất lợi ít hơn nhiều so với phổ rộng các bệnh lý do thuốc lá thông thường gây ra trên hầu hết các hệ thống cơ quan quan trọng.

Cân bằng nguy cơ và lợi ích của TLĐT trên lâm sàng

Mặc dù sử dụng TLĐT mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân song cũng không thể phủ nhận được những tác động bất lợi của chúng lên sức khỏe, do đó, cân nhắc nguy cơ độc tính khi lựa chọn phương pháp này để cai thuốc lá là rất cần thiết. Nhưng dù sao khi so sánh với hút thuốc lá điếu thông thường thì sử dụng TLĐT cũng mang lại ít độc tính hơn, đây cũng là một xem xét có ý nghĩa trong chiến lược giảm tác hại của thuốc lá thông thường.

Đứng trước sự lựa chọn phức tạp này, câu hỏi cần đặt ra là con đường tối ưu để tối đa hóa lợi ích sử dụng TLĐT mà vẫn giảm thiểu nguy cơ khi sử dụng là gì? Các nghiên cứu khoa học gần đây chứng minh hiệu quả của TLĐT trong việc cai thuốc lá, điều này cho thấy rằng việc sử dụng TLĐT để cai thuốc lá trên những bệnh nhân ung thư mang lại một sự hỗ trợ có ý nghĩa. Tuy nhiên, sử dụng TLĐT có nguy cơ cao độc tính hơn so với liệu pháp thay thế nicotine (NRT) hay các dược phẩm cai thuốc lá khác, đây là một điều rất quan trọng cần được cân nhắc khi đưa ra các quyết định lựa chọn trên lâm sàng. Trong những trường hợp này, cần biết rằng nên sử dụng các liệu pháp cai thuốc lá khác đã có bằng chứng khoa học đầy đủ trước đó thay vì sử dụng TLĐT như một liệu pháp đầu tiên.

Do đó, TLĐT có vai trò là một liệu pháp dự phòng cho những bệnh nhân sau:

  • đã sử dụng NRT và các phương pháp khác nhưng vẫn chưa thể cai thuốc lá
  • đã sử dụng thử NRT trước đó và không muốn sử dụng lại hoặc
  • rất yêu thích e-cigarettes, không sẵn sàng bỏ thuốc bằng các phương pháp cai thuốc lá khác ngoài TLĐT . Đối với những bệnh nhân trên, bằng chứng các thử nghiệm hiện tại chỉ ra TLĐT là một lựa chọn tối ưu. 
    Rõ ràng, sử dụng TLĐT có hiệu quả trong việc hỗ trợ bệnh nhân cai thuốc lá thông thường đồng thời TLĐT cũng được biết đến có ít nguy cơ độc hại hơn so với thuốc lá thông thường.

Kết luận

Các ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hút thuốc lá rất rộng và nghiêm trọng đến mức sử dụng bất cứ hình thức cai thuốc lá nào cũng được cân nhắc để đạt được cai thuốc lá và mang lại lợi ích cho bệnh nhân ung thư hơn so với việc tiếp tục hút thuốc lá thông thường.

Sử dụng các liệu pháp cai thuốc lá đã được chứng minh đầy đủ về tính an toàn và hiệu quả trước đó nên được cân nhắc trước trước tiên, hơn là sử dụng TLĐT từ đầu.

Chỉ cân nhắc sử dụng TLĐT trên đối tượng bệnh nhân không đạt hiệu quả cai thuốc lá khi sử dụng các liệu pháp thay thế nicotine hay các loại thuốc được chứng minh dùng để cai thuốc lá trước đó và những bệnh nhân đặc biệt không muốn dùng các liệu pháp này ngoài TLĐT .

Tài liệu tham khảo

1.            Bullen C., Howe C., et al. (2013), “Electronic cigarettes for smoking cessation: a randomized controlled trial”, Lancet, 382(9905), pp. 1629-37.

2.            Hajek P., Phillips-Waller A., et al. (2019), “A Randomized Trial of E-Cigarettes versus Nicotine-Replacement Therapy”, N Engl J Med, 380(7), pp. 629-637.

Nguồn: Dailynews

Namud Insider