Thụ tinh trong ống nghiệm là một phương pháp hỗ trợ sinh sản giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có thể có thai, với tỷ lệ thành công cao hơn tỷ lệ thai tự nhiên. Tuy nhiên, quá trình điều trị đòi hỏi sử dụng nhiều mũi thuốc tiêm, tái khám kèm theo đôi khi kết quả không thuận lợi, những yếu tố này gây nên nhiều áp lực tâm lý đối với người phụ nữ. Nhiều nghiên cứu cho thấy stress có thể có gây ra những tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản tự nhiên, vậy trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, liệu rằng stress có tác động tiêu cực hay không?
YuanAn và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu trên 264 phụ nữ trải qua điều trị thụ tinh trong ống nghiệm trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2009 đến tháng 3 năm 2010, nhằm đánh giá liệu các thay đổi trục hạ đồi – tuyến yên – thượng thận (HPA) và hệ thần kinh giao cảm (SNS) tại các thời điểm khác nhau trong chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm có tương quan với kết quả sinh sản hay không. Kết quả cho thấy ở những người phụ nữ không có thai họ lo lắng và trầm cảm cao hơn vào ngày thử thai so với nhóm có thai. Nồng độ norepinephrine và cortisol thấp hơn ở thời điểm chọc hút trứng và nồng độ cortisol thấp hơn tại thời điểm thử thai đã được tìm thấy ở những phụ nữ điều trị thành công. Kết quả nghiên cứu cho thấy stress có liên quan đến cả tỷ lệ thai và tỷ lệ sinh sống ở bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm. Do đó, các can thiệp nhằm giảm ảnh hưởng của stress đến kết quả sinh sản nên là một phần của phác đồ điều trị [1].
Trong một nghiên cứu khác của Hee-Jun Chi và cộng sự năm 2016 thực hiện trên 141 phụ nữ hiếm muộn và 65 phụ nữ có khả năng sinh sản bình thường ở Hàn Quốc để khảo sát mối tương quan giữa stress và chất lượng sinh sản. Nghiên cứu tổng kết lại điểm số cho trầm cảm (13,7 ± 8,4), lo lắng (10,7 ± 6,4) và stress (18,0 ± 8,3) ở phụ nữ hiếm muộn cao hơn đáng kể so với điểm số cho trầm cảm (9,4 ± 7,5), lo lắng (6,6 ± 6,0) và stress (12,2 ± 8,3, p <0,001) ở những phụ nữ có khả năng sinh sản bình thường. Không có sự khác biệt về điểm số đối với trầm cảm (13,5 ± 8,2; 13,8 ± 8,6), lo lắng (10,0 ± 6,2; 11,5 ± 6,6) và stress (17,7 ± 8,4; 18,4 ± 8,1) giữa nhóm phụ nữ trẻ tuổi (£ 34) và lớn tuổi (³ 35). Nồng độ cortisol và adrenocorticotropic hormone (ACTH) ở phụ nữ hiếm muộn lần lượt là 9,1 pg/mL và 11,9 pg/mL, nằm trong phạm vi bình thường. Nghiên cứu trên cho thấy mức độ stress và chất lượng cuộc sống ở phụ nữ hiếm muộn dường như cần phải được can thiệp tâm lý và hỗ trợ nhiều hơn [2].
Trong một nghiên cứu gần đây của Massey AJ và cộng sự ở 135 bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm, cortisol được đo thông qua lấy mẫu tóc, đo nồng độ từ 3 đến 6 tháng trước đó. Nồng độ cortisol của tóc có liên quan đáng kể đến tỷ lệ mang thai (P = 0,017). Những phát hiện này cũng cho thấy các triệu chứng tâm lý có tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản [3].
Tác giả Kristin L. Rooney và cộng sự, trong một bài báo gần đây cũng cho rằng chẩn đoán hiếm muộn có thể là một gánh nặng to lớn cho bệnh nhân. Stress của bệnh nhân hiếm muộn là một vấn đề lớn. Bệnh nhân phải được tư vấn và hỗ trợ khi họ trải qua điều trị. Mặc dù khuyến cáo của ESHRE cũng không có yêu cầu chính thức về tư vấn tâm lý cho bệnh nhân hiếm muộn, nhưng có sự thừa nhận rằng việc kết hợp các can thiệp tâm lý vào thực hành thường quy tại các phòng khám hiếm muộn là có lợi. Nghiên cứu này đã được ghi nhận rõ rằng hiếm muộn gây stress. Tác động của stress lên kết quả thụ tinh trong ống nghiệm vẫn còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, rõ ràng là các can thiệp tâm lý cho phụ nữ hiếm muộn có khả năng làm giảm sự lo lắng và trầm cảm và cũng có thể dẫn đến tỷ lệ mang thai cao hơn đáng kể[4].
Tài liệu tham khảo:
- YuanAn, Zhuangzhuang Sun, Linan Li, Yajuan Zhang, Hongping Ji. Relationship between psychological stress and reproductive outcome in women undergoing in vitro fertilization treatment: Psychological and neurohormonal assessment. 2013 Jan;30(1):35-41. doi: 10.1007/s10815-012-9904-x. Epub 2012 Dec 5.
- Hee-Jun Chi, Il-Hae Park, Hong-Gil Sun, Jae-Won Kim, Kyeong-Ho Lee. Psychological distress and fertility quality of life (FertiQoL) in infertile Korean women: The first validation study of Korean FertiQoL. Clinical and Experimental Reproductive Medicine 2016;43(3):174-180.
- Massey AJ, Campbell BK, Raine-Fenning N, Pincott-Allen C, Perry J, Vedhara K. Relationship between hair and salivary cortisol and pregnancy in women undergoing IVF. Psychoneuroendocrinology. 2016 Dec;74:397-405.
- Kristin L. Rooney, Alice D. Domar. The relationship between stress and infertility. Dialogues Clin Neurosci. 2018 Mar; 20(1): 41–47.