Kẹp dây rốn muộn có ảnh hưởng gì đến các kết cục sơ sinh ở trẻ non tháng từ các thai kỳ đa thai?

0
1583
Kẹp dây rốn muộn có ảnh hưởng gì
Kẹp dây rốn muộn có ảnh hưởng gì?

Đã có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của phương pháp kẹp dây rốn muộn (delayed cord clamping – DCC) ở các thai kỳ non tháng, với các lợi điểm như làm giảm nguy cơ xuất huyết não thất (intravascular haemorrhage – IVH), giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử, và giảm nguy cơ cần truyền máu. Những bằng chứng gần đây còn cho thấy DCC giúp giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ non tháng.

Tuy nhiên, đa thai là một tình huống đặc biệt mà cả bác sĩ sản khoa lẫn nhi khoa đều dè dặt trong việc áp dụng DCC, xuất phát từ những lo lắng về thông nối mạch máu giữa các bào thai trong bánh nhau một buồng ối, về nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của trẻ thứ hai, khó khăn trong việc đỡ sinh bé thứ hai trong sinh mổ do phải chờ sinh bé thứ nhất, cũng như về gia tăng nguy cơ băng huyết sau sinh cho mẹ.

Chính từ những vấn đề trên, tác giả Priya Jegatheesan – đang công tác tại khoa Nhi – Sơ sinh, Trung tâm Y khoa Santa Clara Valley, San Jose, Hoa Kỳ – cùng các cộng sự của mình đã tiến hành một nghiên cứu quan sát hồi cứu nhằm so sánh các kết cục sơ sinh khi áp dụng DCC ở trẻ từ thai kỳ đơn thai so với đa thai, trẻ thứ nhất so với trẻ thứ hai (ở thai kỳ đa thai), và một buồng ối so với hai/ba buồng ối trên những thai kỳ < 33 tuần tuổi thai. Đây là một nghiên cứu quan sát hồi cứu trên 529 trẻ sinh non được áp dụng DDC ≥ 30 giây, nhập điều trị tại NICU tuyến trung ương (level III), California, Hoa Kỳ.

Tổng số có 529 trẻ sinh non được đưa vào nghiên cứu, bao gồm 433 trẻ từ thai kỳ đơn thai và 96 trẻ từ thai kỳ đa thai, với tuổi thai < 33 tuần tuổi. Những trẻ này được sinh trong khoảng thời gian từ 01/2008 đến 12/2017, được áp dụng DCC ≥ 30 giây, và nhập điều trị tại NICU tuyến trung ương (level III), California, Hoa Kỳ.

Một số kết quả chính thu được từ nghiên cứu như sau:

  • Trẻ từ thai kỳ đa thai có tuổi thai lớn hơn (31 tuần vs 30,6 tuần), tỷ lệ sinh mổ nhiều hơn (91% vs 54%), tỷ lệ trẻ nam ít hơn (48% vs 62%), và hematocrite (Hct) ở thời điểm 12 – 24 giờ cao hơn (54,3% vs 50,5%), so với trẻ từ thai kỳ đơn thai. Sự khác biệt về Hct có ý nghĩa thống kê ngay cả sau khi đã điều chỉnh kết quả theo cân nặng, cách sinh, và giới tính.
  • So với trẻ đầu tiên từ thai kỳ đa thai, trẻ thứ hai nhẹ cân hơn (1.550 gr vs 1.438 gr), và có tỷ lệ sống sót không biến chứng thấp hơn (91% vs 77%). Sự khác biệt trong tỷ lệ sống sót và không kèm biến chứng không có ý nghĩa thống kê sau khi đã điều chỉnh theo cân nặng.
  • So với những thai kỳ đa thai với hai/ba túi ối, trẻ từ thai kỳ đa thai một túi ối có thân nhiệt lúc nhập khoa thấp hơn (37oC vs 36,8oC), mặc dù khác biệt này không có ý nghĩa thống kê.

Những kết quả từ nghiên cứu trên đã cho thấy các kết cục sơ sinh ở trẻ sơ sinh non tháng được áp dụng DCC không khác biệt nhiều giữa thai kỳ đơn thai và đa thai, giữa trẻ thứ nhất và trẻ thứ hai trong thai kỳ đa thai, và giữa một túi ối so với hai/ba túi ối.

(Nguồn: Jegatheesan P., Belogolovsky E., Nudelman M., et al., 2019. Neonatal outcomes in preterm multiples receiving delayed cord clamping. Arch Dis Child Fetal Neonatal Ed. 0: F1-F7. Link)

Bài viết liên quan: Nguy cơ sinh non ở phụ nữ đái tháo đường type 1

TS. Nguyễn An Nghĩa
Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TPHCM