Ho là một phản xạ của cơ thể khi gặp các tác nhân gây kích thích hoặc tắc nghẽn vùng hầu họng.
Contents
Nguyên nhân
Ho được phân thành 2 loại:
Ho khan: không có đờm, thường do hít phải các loại khói bụi gây kích thích như: khói thuốc, khói than, mùi hóa chất, khi thời tiết thay đổi đột ngột, nhiễm virus do cúm hay cảm lạnh, triệu chứng của các bệnh như hen phế quản, trào ngược dạ dày thực quản, suy tim,… Một vài thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển cũng có thể gây ho khan như captopril, lisinopril,…
Ho có đờm: là ho thường kèm với tình trạng khạc ra chất nhày hoặc đờm. Ho có đờm thường là triệu chứng còn lại sau khi bị cảm lạnh, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm xoang,…
Theo thời gian kéo dài của ho, ho được phân thành hai loại:
- Ho cấp khi thời gian kéo dài <3 tuần.
- Ho mạn khi thời gian kéo dài > hoặc = 3 tuần.
Để điều trị ho cấp cần xác định nguyên nhân gây ho để điều trị nguyên nhân và khi cần thì dùng thuốc điều trị triệu chứng (xem mục Điều trị).
Triệu chứng
Ho khan:
- Ngứa họng
- Không có đờm.
- Nặng có thể gây khàn gọng hoặc mất giọng.
Ho có đờm:
- Nặng ngực và cơn ho thường khạc ra chất nhầy và đờm.
- Có cảm giác nghẹt thở và khó thở, thường làm người bệnh mệt lả.
- Các triệu chứng thường tăng lên khi đi bộ và nói chuyện.
Phân biệt các loại ho
- Ho do nhiễm virus cấp thường lành tính, tự khỏi và không cần dùng thuốc (xem Cảm lạnh).
- Ho do bệnh dị ứng đường hô hấp trên: như viêm mũi dị ứng, thường kèm với viêm mũi, viêm kết mạc, viêm hầu – họng, ngứa mắt và họng.
- Ho do hít phải dị vật: thường phổ biến ở trẻ từ 1 – 3 tuổi hoặc người già, ho lúc này để tống dị vật ra bên ngoài.
- Ho trên bệnh nhân hen: dùng thuốc trị hen (khi dùng thuốc corticoid xịt, thuốc giảm phế quản, kháng leucotrien) thì bệnh nhân đỡ ho. Không nên dùng nhóm thuốc ức chế men chuyển để điều trị tăng huyết áp trên bệnh nhân bị hen vì thuốc này có thể gây ho.
- Ho trên bệnh nhân bị viêm phổi tắc nghẽn mạn tính: thường có tiền sử hút thuốc lá quá nhiều, người lớn. Khuyên bệnh nhân bỏ thuốc.
- Ho do bệnh trào ngược dạ dày – thực quản: thường kèm theo các triệu chứng tiêu hóa như ợ hơi, ợ chua. Dùng thuốc ức chế tiết acid như thuốc ức chế bơm proton hiệu quả trong điều trị loại ho này.
- Ho do viêm xoang nhiễm khuẩn: thường kéo dài hơn 1 tuần. Trước thời điểm này, sự phát triển của vi khuẩn ít khả năng.
- Ho do nguyên nhân ngoài phổi: bệnh tim như suy phổi cấp, suy tim thường kèm theo thở yếu, đánh trống ngực.
- Ho do dùng thuốc ức chế men chuyển: dừng hoặc thay thế thuốc.
Các câu hỏi dược sĩ thường hỏi bệnh nhân?
- Bị ho từ khi nào?
Ho như thế nào? Mức độ thường xuyên?
Có đờm hay không? Màu gì và nhiều hay ít?
- Có triệu chứng gây khó chịu gì khác?
- Có dùng thuốc gì để điều trị bệnh khác?
- Đã điều trị ho bằng thuốc gì trước đây? Có hiệu quả không?
Trường hợp cần đi khám bác sĩ
- Ho kéo dài hơn 10 ngày và không cải thiện.
- Đờm có màu: vàng, xanh, rỉ rắt hoặc có vết máu.
- Kèm các triệu chứng khác: sốt cao, ớn lạnh, đau ngực, khó thở, ra mồ hôi ban đêm, ho lặp lại về đêm, sụt cân, hút thuốc nặng, u hay sưng cổ, ho dai dẳng dẫn đến thay đổi giọng nói.
- Tiếp xúc với người bị lao.
- Dược sĩ nghi ngờ do phản ứng có hại của thuốc.
- Ho gà hoặc viêm tắc thanh quản.
- Thất bại trong dùng thuốc.
Điều trị
Điều trị gồm điều trị nguyên nhân (xem Phân biệt các loại ho) và điều trị triệu chứng. Dưới đây trình bày một số thuốc điều trị triệu chứng.
Nếu ho nhẹ thì nên để ho như vậy vì ho giúp tống chất nhầy và tác nhân gây bệnh khỏi họng và phổi. Nếu ho gây khó ngủ hay kho giao tiếp mới dùng thuốc.
Thuốc ức chế phản xạ ho trung ương
Dextromethophan, codein hoặc pholcodine, menthol, thuốc kháng histamin có tác dụng an thần. Thuốc ức chế ho trung ương có thể giảm tần suất ho, được khuyên dùng để điều trị ho khan. Nhóm thuốc này có tác dụng hạn chế trị ho do cảm lạnh. Thuốc ức chế ho có thể chống chỉ định tương đối, đặc biệt khi tống các dị vật quan trọng.
Dextromethophan là một opioid có tác dụng ức chế ho, nhưng không có tác dụng giảm đau, an thần hay gây nghiện. Không nên dùng cho trẻ < 2 tuổi. Liều khuyến cáo ở trẻ em là 1mg/kg/ngày chia 3-4 lần. Nếu dùng quá liều có thể gây rối loạn hành vi, bao gồm ức chế hô hấp. Ở một số nước, dextromethophan là thuốc OTC, danh mục OTC 2017 của Việt Nam không có dextromethophan.
Codein hoặc pholcodine: những opioid này hiệu quả điều trị ho không tốt hơn dextromethophan nhưng có nhiều tác dụng phụ có hại và không được khuyên dùng. Không nên dùng cho trẻ em để điều trị ho bởi vì tác dụng phụ nghiêm trọng (ức chế hô hấp), nguy cơ quá liều, nghiện thuốc và tử vong.
Menthol có tác dụng ức chế ho cấp và ngắn.
Thuốc kháng histamin 1 thế hệ 1: như promethazin, chlopheniramin, alimemazine với tác dụng an thần, trị ho nhưng gây lo mơ, buồn ngủ, có thể thích hợp trị ho ban đêm. Thuốc kháng histamin không có tác dụng an thần thế hệ mới hơn không hiệu quả trị ho.
Các thuốc long đờm
Giảm kích thích tại các thụ thể ho bằng cách tích lũy chất nhày thông qua ho. Gồm: N-acetylcystein, bromhexin, ambroxol, carbocistein, terpin hydrat, guaifenesin, eprazinone. Các bằng chứng về hiệu quả là không thống nhất. Thuốc long đờm được khuyến cáo dùng giảm ho ở những bệnh nhân ho có đờm. Thuốc có thể phá hỏng lớn chất nhày bảo vệ niêm mạc dạ dày, cần thận trọng với những người có tiền sử loét dạ dày – tá tràng. Chống chỉ định phụ nữ 3 tháng đầu thai khì và cho con bú. Không dùng thuốc kháng histamin cho trường hợp ho có đờm vì thuốc làm quánh đờm, khó tống xuất và cản trở đường hô hấp.
Thuốc giảm sản xuất chất nhầy
Thuốc kháng cholinergic xịt như ipratropium và tiopium được cho là giảm sản xuất chất nhầy, tuy nhiên hiệu quả trị ho không hằng định.
Thuốc làm giảm kích thích thụ thể ho
Bằng cách phủ lên các thụ thể ho ở họng, các chất làm dịu được cho là có tác dụng trị ho. Các dạng siro, viên ngậm, mật ong, chanh, đường là chất làm dịu ho được dùng phổ biến. Tuy nhiên, tác dụng ngắn thường 20-30 phút.
Dược liệu dùng trị ho
Một số dược liệu được dùng để trị ho lâu đời, một số đã được chứng minh có hiệu quả lâm sàng bao gồm chế phẩm phối hợp húng tây (Thymus L.), cỏ anh thảo (Primula veris) và cây thường xuân (Hedera helix); xuyên tâm liên (A. paniculata); thiên trúc quỳ (P. sidoides); các tinh dầu (như húng chanh; tuy nhiên tinh dầu có thể làm tăng khả năng gây kích ứng da và niêm mạc mũi).
Các lời khuyên
Nên uống nhiều nước mỗi ngày, tránh ở môi trường khô và lạnh (nhất là có máy điều hòa nhiệt độ).
Tránh các yếu tố gây kích thích như hút thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, ăn uống đồ quá nóng gây kích thích vòm họng, giữ ấm cổ, ngực.
Về đêm trời lạnh hay khi ngủ có điều hòa cần giữ ấm cổ, ngực.
Ăn hoa quả, uống nước cam,… để nâng cao sức đề kháng.
Vệ sinh răng, họng, miệng hằng ngày và súc miệng bằng nước muối ấm.
Có thể bạn quan tâm:
Nguyên nhân, triệu chứng và tư vấn sử dụng thuốc khi bị ho
Thận trọng khi sử dụng thuốc điều trị ho và cảm lạnh cho trẻ em
Tài liệu tham khảo
- Coughlin L. Cough: Dianosis and Management. Am Fam Physician. 2007;75(4):567-575.
- Morice AH et al. Recommendations for the management of cough in adult. Thorax. 2006;61:i1-i24.
- Malesker MA et al. Pharmacologic and nonpharmacologic treatment for acute cough associated with the common cold: CHEST Epert panel report. Chest. 2017 Aug 22.
- Fuchs et al. Guidenlines of the German Respiratory Society for Diagnosis and Treatment of Adults Suffering from Acute or Chronic Cough. Pneumologie. 2010; 64(11);701-711.
- WHO (2001). Cough and cold remedies for the treatment of acute respiratory infections in young children.
- Kardos P, Berck H, Fuchs KH: Guidelines of German Respirastory Society for diagnosis and treatment of adults suffering from acute or chronic cough. Pneumologic 2010;64:336-373.
- Wagner L et al. Herbal Medicine for Cough: a Systematic Review and Meta – Analysis. Forsch Komplementmed 2015;22:358-368.