HƯỚNG DẪN ĐỒNG THUẬN VỀ VIỆC BÙ KALI TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG

0
1989
Đồng thuận về bù Kali trong thực hành lâm sàng
Đồng thuận về bù Kali trong thực hành lâm sàng

Nồng độ kali huyết thanh thấp có lẽ là bất thường điện giải thường gặp nhất trong thực hành lâm sàng. Các chiến lược nhằm đạt được và duy trì nồng độ kali bình thường phải tính đến các yếu tố như (1) giá trị kali ở mức cơ sở, (2) sự hiện diện của các tình trạng y khoa nền (ví dụ: suy tim mạn), (3) việc sử dụng các thuốc làm thay đổi nồng độ kali ( ví dụ: thuốc lợi tiểu không tiết kiệm kali) hoặc thuốc gây ra rối loạn nhịp tim khi có sự hiện diện của hạ kali máu (ví dụ, các bên glycoside trợ tim), (4) các biến số của bệnh nhân như chế độ ăn và muối và (5) khả năng tuân thủ phác đồ điều trị.

Do có nhiều yếu tố liên quan, nên hướng dẫn được hướng tới bệnh nhân có tình trạng bệnh cụ thể, chẳng hạn như những người mắc bệnh tim mạch, và hướng tới dân số bệnh nhân nói chung. Danh sách sau đây bao gồm các thực hành chung của chúng tôi về việc sử dụng kali. Các hướng dẫn đã được phát triển tại một cuộc họp năm 1998 của Hội đồng quốc gia về Kali trong Thực hành Lâm sàng. Rõ ràng là các nghiên cứu lâm sàng có đối chứng là cần thiết để xác định các khuyến cáo cụ thể.

Contents

Các hướng dẫn chung

1. Chế độ ăn uống thực phẩm giàu kali nên được bổ sung bằng liệu pháp bù kali.

Thông thường, tăng lượng kali trong chế độ ăn uống không hoàn toàn hiệu quả trong việc bù đắp cho mất kali liên quan đến sự suy giảm cloride (ví dụ, xảy ra trong liệu pháp lợi tiểu, nôn hoặc dẫn lưu mũi-dạ dày) vì kali trong chế độ ăn gần như được kết hợp hoàn toàn với phosphate, thay vì cloride. Ngoài ra, việc tiêu thụ thực phẩm giàu kali với số lượng đủ để tăng mức kali huyết thanh đến nồng độ chấp nhận được có thể sẽ tốn kém, và có thể gây tăng cân.

2. Bù kali được khuyến cáo cho những người nhạy với natri hoặc những người không thể hoặc không muốn giảm muối ăn; nó đặc biệt hiệu quả trong việc giảm huyết áp ở những người như vậy. Một chế độ ăn nhiều natri thường dẫn đến mất kali quá mức qua nước tiểu.

3. Nên bù kali cho những người bị buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mắc chứng cuồng ăn hoặc lạm dụng thuốc lợi tiểu/nhuận tràng. Kali cloride đã được chứng minh là phương pháp hiệu quả nhất để bù đắp cho mất kali cấp tính.

4. Bổ sung kali được dùng tốt nhất bằng đường uống với liều lượng vừa phải trong khoảng thời gian vài ngày đến vài tuần để đạt được sự bổ sung đầy đủ kali.

5. Mặc dù xét nghiệm kali huyết thanh là dễ dàng, nhưng nó không phải lúc nào cũng là một chỉ số chính xác của lượng kali toàn cơ thể. Đo lượng bài tiết kali trong nước tiểu 24 giờ là thích hợp cho những bệnh nhân có nguy cơ cao (ví dụ, những người suy tim mạn).

6. Việc tuân thủ điều trị bổ sung kali của bệnh nhân có thể được tăng lên với chế độ tăng cường sự tuân thủ. Các công thức vi nang không có mùi vị khó chịu và có liên quan đến tỷ lệ tác dụng phụ đường tiêu hóa tương đối thấp.

7. Phác đồ bổ sung kali nên càng đơn giản càng tốt để giúp tối ưu hóa sự tuân thủ lâu dài.

8. Liều lượng 20 mmol kali/ngày ở dạng uống nói chung là đủ để phòng ngừa hạ kali máu, và 40 đến 100 mmol/ngày là đủ để điều trị.

Bệnh nhân Tăng huyết áp

1. Bệnh nhân bị hạ kali máu liên quan đến thuốc (tức là, điều trị bằng thuốc lợi tiểu không tiết kiệm kali) nên được bổ sung kali.

2. Ở những bệnh nhân tăng huyết áp không triệu chứng, cần nỗ lực để đạt được và duy trì nồng độ kali huyết thanh tối thiểu là 4.0 mmol/L. Nồng độ kali huyết thanh thấp (ví dụ: 3.4 mmol/L) ở bệnh nhân không triệu chứng với tăng huyết áp không biến chứng không nên được coi là không quan trọng. Chế độ ăn uống thực phẩm giàu kali và bổ sung kali nên được thiết lập khi cần thiết.

Bệnh nhân Suy tim mạn

Bù kali nên được xem xét thường xuyên ở bệnh nhân suy tim mạn, ngay cả khi xác định kali ban đầu có vẻ là bình thường (ví dụ, 4.0 mmol/L). Phần lớn bệnh nhân mắc suy tim mạn có nguy cơ cao bị hạ kali máu. Ở những bệnh nhân bị suy tim mạn hoặc thiếu máu cơ tim, hạ kali máu nhẹ đến trung bình có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, hạ kali máu do thuốc lợi tiểu có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc digitalis và rối loạn nhịp tim đe dọa tính mạng.

Trước những thông tin trên và khả năng tăng kali máu xảy ra thứ phát sau điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin II, việc theo dõi thường xuyên nồng độ kali huyết thanh là rất cần thiết ở những bệnh nhân này. Bất cứ lúc nào, sự căng thẳng có thể kích hoạt bài tiết aldosterone và giải phóng catecholamine để đáp ứng với cung lượng tim thấp, do đó thúc đẩy giảm nồng độ kali huyết thanh.

Bệnh nhân Rối loạn nhịp tim

Duy trì nồng độ kali tối ưu (ít nhất 4.0 mmol/L) là rất quan trọng ở những bệnh nhân này và việc theo dõi kali thường quy là bắt buộc. Bệnh nhân mắc bệnh tim thường dễ bị rối loạn nhịp thất đe dọa tính mạng. Đặc biệt, rối loạn nhịp tim như vậy có liên quan đến suy tim, phì đại thất trái (đặc trưng bởi phức hợp QRS bất thường), thiếu máu cơ tim và nhồi máu cơ tim (cả trong giai đoạn cấp tính và sau khi tái cấu trúc). Việc sử dụng đồng thời magne nên được xem xét để tạo điều kiện cho sự hấp thu kali của tế bào.

Bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ

Nên thận trọng duy trì nồng độ kali tối ưu ở những bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ cao (bao gồm cả những người có tiền sử xơ vữa động mạch hoặc tai biến mạch máu dạng xuất huyết). Mặc dù hiệu quả của việc bổ sung kali trong việc giảm tỷ lệ đột quỵ ở người chưa được chứng minh trong các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, thì các nghiên cứu tiến cứu cho thấy tỷ lệ đột quỵ gây tử vong và không tử vong có tương quan nghịch với lượng kali trong chế độ ăn. Ngoài ra, sự liên quan của đột quỵ với tăng huyết áp cũng được biết đến.

Bệnh nhân Đái tháo đường

Nồng độ kali nên được theo dõi chặt chẽ ở bệnh nhân đái tháo đường và liệu pháp bù kali nên được dùng một cách thích hợp. Dữ liệu nhấn mạnh tác dụng phụ của glucose và insulin đối với nồng độ kali và tỷ lệ cao của biến chứng tim mạch và thận ở bệnh nhân đái tháo đường. Những yếu tố này đặc trưng cho bệnh nhân đái tháo đường týp 2 được kiểm soát kém nồng độ glucose huyết thanh.

Bệnh nhân Suy thận

Dữ liệu cho thấy mối liên hệ giữa nồng độ kali và tổn thương của thận ở bệnh nhân mắc bệnh thận hoặc đái tháo đường. Các nghiên cứu trên động vật đã chứng minh rằng kali có thể mang lại tác dụng bảo vệ các tiểu động mạch thận. Ý nghĩa lâm sàng của những phát hiện này vẫn chưa rõ ràng.

Arch Intern Med. 2000;160:2429-2436