ADHD – Rối Loạn Tăng Động Giảm Chú Ý Là Gì?

0
1844
ADHD LÀ GÌ?
ADHD LÀ GÌ?

Trong bài viết này, alydarpharma.com xin trích lời của bác sĩ Hung Ngo về căn bệnh ADHD ở trẻ em. Mời bạn đón xem dưới đây.

Contents

ADHD là gì?

ADHD (Attention-Decifit/Hyperactivity Disorder) – Rối Loạn Tăng Động Giảm Chú Ý

ADHD là một trong những rối loạn hành vi phổ biến nhất hiên nay ở trẻ em.

ADHD thường được phát hiện và chẩn đoán ở độ tuổi bắt đầu đi học và tồn tại suốt đời trong hầu hết trường hợp.

Trẻ bị rối loạn này thường kém tập trung, hiếu động quá mức và có hành vi hấp tấp, bốc đồng.

Rối loạn này ngày càng tăng trong khoảng 10 năm gần đây, theo số liệu của CDC thì đã tới 9.4% vào năm 2016, tức là hễ 10 trẻ thì có 1 trẻ mắc ADHD.

Rối loạn tăng có phần do ngày càng được quan tâm nhận biết bởi các cha mẹ, trường học và bs. Thú thật ngày tôi ở VN không hề biết tới cái này mà cũng không ai dạy, qua tới Mỹ đi nội trú lại và hành nghề thì mới được học về vấn đề này. Thật sự lúc đầu tôi còn không tin ADHD, nhưng sau một thời gian khám và điều trị thì nhân ra ADHD là một vấn đề thực sự và cần can thiệp. Có người lớn đưa con tới khám, báo cho tôi biết là mới được chẩn đoán ADHD lúc 22 tuổi, hồi nhỏ mẹ tao có báo với bs mà bs phẩy tay không quan tâm.

Tuy nhiên ở Mỹ có một xu hướng mới là ADHD bị lạm dụng trong chẩn đoán từ cha mẹ, trường học và cả bs, hễ trẻ nào có vấn đề trong hành vi, học tập thì hay bị gán cho cái mác ADHD, sau đó thì thở phào, không phải tại cha mẹ, tại cô giáo mà tại nó bị ADHD. Tội nghiệp đứa nhỏ vì cái tội có ADHD và không được can thiệp đúng chuyện đúng cách, dĩ nhiên sẽ ngày càng tệ hơn. Tui sẽ bàn sâu về vấn đề này trong phần chẩn đoán.

Trẻ con bản tính vốn hiếu động và có mức tập trung rất kém và ngắn, bạn từng nghe nói crazy 2, terrible 3. Đó là bình thường cho giai đoạn phát triển này, đứa 2-3 tuổi mà ngồi yên một chỗ là có chuyện rồi. Cho nên chẩn đoán ADHD tuổi này là nhiệm vụ không khả thi. Nhiều khi mẹ đưa con 3 tuổi tới khám hỏi con tui có ADHD không, tui bó tay kêu về.

ADHD thông thường được chẩn đoán sau tuổi đi học (6 tuổi), chẩn đoán ở trẻ nhỏ cực kỳ khó khăn vì đặc điểm phát triển của độ tuổi, vì chậm phát triển ngôn ngữ… nên tuổi sớm nhất có thể chẩn đoán là từ 5 tuổi trở lên, còn 2-3 tuổi mà nói bị ADHD thì là nói chơi thôi. Cho tới giờ này, tôi chưa gặp trẻ nào được chẩn đoán ADHD lúc 4 tuổi hết. Trẻ có rối loạn ADHD là đã có từ lúc sinh ra nhưng không thể phân biệt được với hiếu động không tập trung “tự nhiên” của lứa tuổi 2-4.

Trẻ con thì hay hiếu động, không ngồi yên một chỗ nhưng có thể kiểm soát và dần dần sẽ cải thiện khi lớn hơn. Trẻ ADHD thì thường hiếu động hay không tập trung quá mức gây khó khăn trong học tập và cuộc sống, và không mất đi khi lớn lên.

NGUYÊN NHÂN

Cho tới giờ này, chưa có ai xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra ADHD. Cũng giống như tự kỷ, AHDH liên quan tới nhiều yếu tố khác nhau, những yếu tố đã được chứng minh là có liên quan tới ADHD bao gồm:

– Di truyền: ADHD chạy vòng vòng trong gia đình. 
Nếu cha/mẹ có ADHD, 50% con sẽ bị ADHD.
Nếu anh/chị có ADHD thì đứa em 30% sẽ có ADHD
Nhiều khi khám bệnh thấy đứa nhỏ bị ADHD thì nhẹ mà mẹ nó thì có ADHD loại nặng, không biết trị con hay trị mẹ nữa?

– Mẹ uống rượu hay hút thuốc trong thai kỳ, nên tuyệt đối tránh hai thứ này trong lúc mang thai.

– Trẻ sinh non, sinh nhẹ cân

– Ngộ độc chì trong lúc mang thai hay trẻ nhỏ

– Tổn thương vùng thuỳ trán của não

CHÚ Ý:
– Vaccines không gây ADHD
– Ăn nhiều đường không gây ADHD
– Xem nhiều TV không gây ADHD (vấn đề này vẫn có nhiều tranh cãi nhưng hiện tại là KHÔNG)

Các nghiên cứu về não bộ cho thấy sự thay đổi của cấu trúc và chức năng của một số vùng não bộ trên trẻ có ADHD, đặc biệt ở vùng vỏ não thuỳ trước trán, striatum, tiểu não. Hình ảnh MRI cho thấy một số vùng của não hoạt động kém hơn trên trẻ ADHD, đặc biệt vùng thuỳ trán nơi quyết định về nhận thức và hành vi.

Có nhiều gene đã được tìm ra có liên quan tới ADHD, bao gồm các gene thụ thể dopamine (DRD4, DRD5), và gene của các chất vận chuyển dopamine (DAT1).

ADHD VÀ HẬU QUẢ NẾU KHÔNG TRỊ LIỆU

ADHD là rối loạn hành vi mãn tính suốt đời, nếu không trị liệu sẽ gây ảnh hưởng đến học hành, công việc, quan hệ xã hội và nhiều mặt khác cuộc sống

Trẻ em mắc ADHD sẽ kém chú ý, hấp tấp gây học hành kém, tụt hậu. Chúng có thể có vấn đề về giao tiếp, không biết chia sẻ, chờ tới lượt, hoà đồng với bạn bè, khó có bạn. Lâu dài sẽ đưa đến tự ti, trầm cảm hay hành vi chống đối

Trẻ ADHD vì tăng động và hấp tấp nên dễ bị tai nạn hơn, vài nghiên cứu cho thấy trẻ ADHD phải đi cấp cứu nhiều hơn.

Trẻ vị thành niên thì có các vấn đề này với mức độ ngiêm trọng hơn, bao gồm cả uống rượu, hút thuốc, ma tuý, tình dục không an toàn, rối loạn ăn uống, trầm cảm, tự ti,…
Trẻ ADHD khi lái xe cũng có tỷ lệ tai nạn cao hơn trẻ không ADHD.

Người lớn ADHD thường gặp các vấn đề sau:

– Đi làm trễ
– Không hoàn thành công việc đúng hạn
– Thiếu ngăn nắp
– Hay gây gổ với đồng nghiệp
– Rất dễ xúc động
– Không thể chấp nhận chỉ trích một cách bình tĩnh
– Khó duy trì quan hệ tình cảm
– Ly dị cao
– Tai nạn xe cao
– Cờ bạc
– Phạm pháp
– Trầm cảm, tự ti

Một vài nghiên cứu cho thấy tù nhân có tỷ lệ ADHD không được trị liệu khá cao 25-40%, và gợi ý những hành vi phạm tội có thể đã không xảy ra nếu được trị liệu.

Bạn nên nghĩ tới ADHD khi con bạn có các biểu hiện sau HƠN 6 THÁNG:

– Hay mơ màng (day dream)
– Hay quên hay làm mất vật dụng cá nhân, đồ dùng học tập
– Hay vặn vẹo ngồi không yên, bồn chồn
– Nói tía lia
– Hay mắc những lỗi hay tai nạn do bất cẩn hay làm những việc tạo ra nguy cơ không cần thiết
– Không thể chống lại những ước muốn, rất kém kiên nhẫn, không thể chờ đợi được
– Không thể chờ đến lượt (taking turns)
– Không hoà đồng, chơi vui cùng bạn bè.

ADHD có 3 dạng:

– Dạng giảm chú ý
– Dạng tăng động (ít nhất)
– Dạng kết hợp (phổ biến nhất)

ADHD là một rối loạn thực sự, nếu không được chẩn đoán và can thiệp sớm thì sẽ làm trẻ không học tập được, không hoà nhập được và dẫn đến các vấn đề tâm lý khác.

ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý (ADHD)
ĐIỀU TRỊ HÀNH VI HAY DÙNG THUỐC?

ADHD là một rối loạn hành vi mãn tính và có tính di truyền, có nghĩa là đa số trẻ mắc bệnh sinh ra đã có rối loạn nhưng không thể phát hiện cho đến tuổi đi học. Nói vậy có nghĩa là ADHD sẽ theo bạn cho đến lớn, và mục đích điều trị không phải là loại bỏ nó vì không thể loại bỏ được, mà là sống chung với lũ, làm giảm bớt nó, kiềm chế nó để người bệnh có thể học tập, sinh hoạt bình thường như những người khác.

Trẻ ADHD có trí thông minh bình thường, thậm chí có khi còn rất thông minh, có những người ADHD nhưng rất thành công, thậm chí ADHD còn có thể được sử dụng như lợi điểm trong việc chọn nghề. Những người ADHD sẽ phù hợp với những nghề có tốc độ làm việc nhanh, còn bắt họ làm thủ thư thư viện hay kế toán chắc bỏ nghề sớm.

Mục tiêu điều trị ADHD:

– Cải thiện hiệu quả học tập và công việc
– Cải thiện quan hệ trong gia đình, trường học và xã hội
– Cải thiện khả năng tự chăm sóc, độc lập
– Làm giảm các hành vi quấy rối
– Cải thiện việc tự kiểm soát bản thân
– Cải thiện tâm lý tự ti (low self-esteem)
– Cải thiện sự an toàn trong cuộc sống, giảm các hành động nguy cơ cao.

Nhìn chung, có 3 cách trị liệu chính cho ADHD:

– Liệu pháp tâm lý và hành vi cho gia đình và trẻ
– Các biên pháp hỗ trợ từ nhà trường
– Thuốc

Nhà trường sẽ đưa các trẻ ADHD vào chương trình học đặc biệt, hay được gọi là IEP (Individualized Education Plan) hay 504 Plan. Chương trình này sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ các trẻ ADHD tuỳ theo mức độ nặng nhẹ như tăng thời gian làm bài tập hay bài thi, cho nghỉ giữa giờ nhiều lần, thay đổi số lượng bài tập về nhà, ngồi phía trước, dạy với hình ảnh hơn là ngôn ngữ thậm chí có thể vào các lớp đặc biệt 1 kèm 1 và tư vấn về tâm lý ở trường, …

Giữa vấn đề điều trị tâm lý và thuốc, NIMH đang thực hiện môt nghiên cứu gọi là nghiên cứu MAT về hiệu quả điều trị trên trẻ adhd. Kết quả cho thấy, nếu điều trị đơn độc thì thuốc có hiệu quả hơn là trị liệu tâm lý. Khi kết hợp thuốc và tâm lý thì vẫn không thấy hiệu quả hơn là điều trị bằng thuốc đơn độc, trừ trường hợp có các vấn đề khác kèm theo như lo âu, trầm cảm, hành vi chống đối, … Điều trị kết hợp thường là cho kết quả hài lòng nhất theo đánh giá từ cha mẹ và thầy cô giáo.

Trên thực tế việc chọn lựa điều trị theo phương pháp nào là do cha mẹ quyết định chứ không phải bs. Trong thực hành mỗi ngày, đây cũng là vấn đề mất nhiều thời gian giải thích nhất. Có mẹ thì khăng khăng không dùng thuốc, chỉ cần tâm lý trị liệu thôi, có mẹ thì muốn dùng thuốc ngay lập tức và không quan tâm lắm với tâm lý trị liệu, thường những mẹ này là những người đã từng uống thuốc adhd cho mình hay đã có kinh nghiệm với đứa con trước hay làm trong ngành giáo dục và tiếp xúc với adhd mỗi ngày. Cũng có những mẹ chỉ áp dụng biên pháp cải thiện hành vi và có kết quả tốt, nhưng khi trẻ học lên cao hơn tới sau tiểu học thì bắt đầu đuối khi số lượng bài tập và kiến thức tăng cao, nên trở lại cầu cứu và dùng thuốc. Nói chung là muôn hình vạn trạng.

Tôi thường đề nghị biện pháp trị liệu kết hợp để đạt hiệu quả tốt nhất và nhanh chóng giúp trẻ cải thiện trong việc học và cuộc sống, sau đó có thể thử ngưng thuốc khi đã ổn định. Vì trên kinh nghiệm thực tế có rất ít trường hợp cải thiện tốt hoàn toàn chỉ với tâm lý trị liệu, nhất là trong hoàn cảnh xã hội ngày nay khi cha mẹ thường bận rộn không thể dành thật nhiều thời gian cho con.

ADHD là rối loạn hành vi, cha mẹ và cả trẻ phải học cách điều chỉnh hành vi, hạn chế sự ảnh hưởng của adhd, nên điều trị tâm lý luôn cần thiết. Và người bệnh sẽ áp dụng SUỐT ĐỜI để giúp cuộc sống dễ dàng hơn.

Tuy nhiên trong hầu hết trường hợp, nhất là các ca adhd nặng, rõ rệt, tâm lý trị liệu sẽ không đủ để giúp trẻ kiểm soát hành vi, tập trung tốt để học hành. Tâm lý trị liệu giống như thi kéo co với adhd, kéo qua kéo lại, phần nhiều là không thắng nổi và trẻ vẫn gặp khó khăn trong học tập và quan hệ xã hội, lúc này là lúc thuốc phát huy tác dụng.

Trong trường hợp mẹ không muốn dùng thuốc, tôi thường thực hiện tâm lý trị liệu trong 3-6 tháng, nếu không có hiệu quả tốt hoặc chỉ cải thiện phần nhỏ thì khuyên nên dùng thuốc. Những ca cải thiện tốt chỉ bằng tâm lý thì cứ tiếp tục.

Có nhiều trường hợp đáng tiếc là cha mẹ quá ác cảm hay sợ hãi với thuốc mà từ chối hoàn toàn dù trẻ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống sau khi đã cố gắng đủ cách, dẫn tới việc học hành kém cỏi triền miên và phát sinh nhiều vấn đề về tâm lý sau đó như hành vi chống đối, trầm cảm, lo âu, tâm lý tự ti (low self-esteem), khiến việc điều trị phức tạp hơn nhiều
Khi mới tập tành điều trị adhd, tôi cũng bán tín bán nghi về thuốc, nhưng càng điều trị nhiều tôi càng thấy rõ hiệu quả của thuốc. Có những trẻ cải thiện ngoạn mục sau khi được dùng thuốc, như trở thành một người khác (theo lời của cha mẹ và thầy cô). Có những trẻ đang từ điểm C-D lên A-B chỉ trong vòng 1-2 tháng. Có những trẻ có thể báo thuốc hết tác dụng từ lúc mấy giờ và điểm của các lớp học sau giờ đó luôn thấp hơn các lớp buổi sáng.

Tôi mới có trường hợp adhd mà bệnh nhân hay quên uống thuốc (mẹ phải đi làm sớm), bữa nào mà quên uống thuốc là cô giáo biết liền tại nó không tập trung làm bài hoài không xong, riết rồi cô giáo kêu đem thuốc vô trường, mỗi ngày tới trường cho uống 1 viên rồi vô lớp học cho chắc ăn.

Tuy nhiên nếu các trường hợp adhd phức tạp và kèm theo các vấn đề rối loạn hành vi khác thì hiệu quả có thể không rõ rệt như vậy.

Nói dông dài về các phương pháp điều trị vì đây là chuyện bị hỏi và phải giải thích nhiều nhất.

Tóm lại nếu không muốn dùng thuốc thì có thể áp dụng trị liệu về tâm lý và hành vi, nhưng nếu vẫn không thể cải thiện tốt thì nên dùng thuốc. Đừng để cho trẻ phải gặp khó khăn quá lâu sẽ làm phức tạp thêm và rất khó trị liệu.

Ở VN, các thuốc đặc trị cho ADHD (amphetamine, dextroamphetamine) nay vẫn bị cấm, Methylphenidate đã đuợc lưu hành nhưng khá đắt . Gần đây Family Practice hay FV có cho thuốc adhd nhưng giá rất mắc. Việc chẩn đoán và điều trị ADHD ở VN vẫn còn nhiều sai lầm (theo lời một bs Nhi ở VN), nên thật sự bộ y tế nên xem xét vấn đề này.

Nghiên cứu MAT (Multimodal Treatment of Attention Deficit Hyperactivity Disorder Study) là nghiên cứu về các phương pháp trị liệu cho adhd, thực hiện bởi Viện Sức Khoẻ Tâm Thần Quốc Gia của Hoa Kỳ, và vẫn còn đang tiếp tục thực hiện.

Link: https://www.nimh.nih.gov/funding/clinical-research/practical/mta/multimodal-treatment-of-attention-deficit-hyperactivity-disorder-mta-study.shtml