XÉT NGHIỆM TOÀN BỘ – KHÁM TỔNG QUÁT?

0
1211
XÉT NGHIỆM TOÀN BỘ - KHÁM TỔNG QUÁT?

Thỉnh thoảng tôi hay bị yêu cầu thử máu cho mấy bệnh nhi của tôi để coi có bệnh gì không? Dĩ nhiên là bị tôi từ chối vì chuyện đó là không khả thi và không có lợi ích gì hết.

Mấy thập kỷ qua, khoa học tiến bộ thần tốc, gần như bệnh gì cũng có xét nghiệm thử ra, vậy sao chúng ta không thử hết mọi người xem có bệnh hay không để mà trị sớm?

Nhưng chuyện đời đâu đơn giản vậy, không phải bỏ tiền ra xét nghiệm toàn bộ là bảo đảm mạnh khoẻ mà còn tự hại mình nữa. Tôi sẽ cố gắng giải thích đơn giản vấn đề tầm soát bệnh tật.

Trước hết nên phân biệt xét nghiệm tầm soát và xn chẩn đoán, xn chẩn đoán là khi một người có triệu chứng của một bệnh nào đó và được làm xét nghiệm để xác định bệnh này. Xn tầm soát là khi một người không hề có triệu chứng gì và được làm xét nghiệm để mong phát hiện một bệnh nào đó.

VẬY TẠI SAO KHÔNG TẦM SOÁT TẤT CẢ MÀ CHỈ VÀI BỆNH MÀ THÔI?

Một bệnh sẽ được tầm soát khi:

– Bệnh đó PHẢI LÀ một vấn đề sức khoẻ quan trọng trong cộng đồng, có tần suất cao trong cộng đồng. Không ai đi tầm soát một bệnh cực hiếm, đọc tới dưới sẽ hiểu vì sao

– Bệnh phải có phương pháp trị liệu hiệu quả, không ai tầm soát một bệnh không có thuốc trị, biết bệnh không ích lợi gì mà giống như mang bản án tử hình, làm sao sống an vui cho khoảng đời còn lại?

– Bệnh phải có thời gian ủ bệnh, phục kích lâu dài trong cơ thể người bệnh, nên tầm soát phát hiện sớm mới có ý nghĩa. Chứ có ai mà đi tầm soát viêm ruột thừa là một bệnh cấp tính bao giờ.

XÉT NGHIỆM TẦM SOÁT

– Xn phải có khả năng phát hiện bệnh sớm, nhằm can thiệp sớm và cải thiện tiên lượng và chất lượng sống của bệnh nhân. Bởi vậy không ai dùng XQ phổi để tầm soát ung thư phổi vì XQ phổi phát hiện ung thư phổi rất trễ, ung thư phổi mà thấy được trên XQ là chỉ còn vài phần sống sót thôi.

– Xn phải có độ dương tính giả thấp, tức là tỷ lệ BÁO ĐỘNG GIẢ phải thấp, hay nói cách khác là phải có giá trị tiên đoán dương tính cao (positive predictive value). Giá trị tiên đoán dương tính (gttđdt) là khả năng bạn thực sự đang có bệnh khi bạn cầm kết quả xét nghiệm dương tính.

Cái này vô cùng quan trọng và phụ thuộc 2 yếu tố: chất lượng của xét nghiệm và TẦN SUẤT BỆNH TRONG CỘNG ĐỒNG. Giải thích ra vô cùng dài dòng và khó hiểu nếu bạn không rành về dịch tể học, tôi cho bạn một ví dụ như vầy:

Xn ELISA HIV có độ nhạy 99.9% và độ đặc hiệu 99.9% tức là gần như chính xác tuyệt đối, tôi sẽ dùng để tầm soát HIV trong 3 cộng đồng khác nhau

– Cộng đồng dân chúng bình thường có tỷ lệ nhiễm HIV là 1%, giá trị tiên đoán dương tính là 91%, tức là cầm kết quả dương tính thì khả năng bạn thực sự có bệnh là 91%, cũng khá tốt phải không?

– Cộng đồng người nghiện ma tuý có tỷ lệ nhiễm HIV là 10%, gttđdt là 99%, tức là người dương tính có khả năng thực sự có bệnh tới 99%, quá tốt.

– Cộng đồng những người từng cho máu (đã có thử HIV trước đó) với tần suất nhiễm HIV RẤT THẤP là 0.1%, thì gttđdt là 50%. Điều này có nghĩa là khi bạn cầm xn dương tính thì khả năng bạn có bệnh chỉ có 50%, giống như đánh bạc mà thôi. Cái 50% này sẽ là tai nạn cho bạn vì bạn phải làm cho ra lẽ mới ăn ngon ngủ yên, vì trong 10 người thử dương tính thì chỉ có 5 người là có bệnh

Cho nên không ai đi tầm soát một bệnh vô cùng hiếm trong cộng đồng vì không có ý nghĩa gì cả. Điều này giải thích tại sao tất cả các xn tầm soát luôn kèm theo ĐIỀU KIỆN. Ví dụ như nội soi đại tràng CHỈ LÀM cho người trên 50 tuổi, vì tần suất ung thư đại trực tràng rất cao ở người trên 50 tuổi nên xn sẽ có gttđdt cao nên có ý nghĩa tầm soát. Không ai đi nội soi tầm soát ung thư trên trẻ con vì nó cực hiếm.

– Cuối cùng xn tầm soát phải có nguy cơ tai biến thấp: thử máu thì không có nguy cơ đáng kể, nhưng thông tim thì có nguy cơ rất cao, nên không ai dùng thông tim để tầm soát, chưa kể tính độc hại của xn như tia xạ từ CT Scan, XQ,…

Tới đây sẽ có người nghĩ rằng thì cứ thử đi, cẩn tắc vô áy náy. Đây cũng là suy nghĩ sai lầm. Về cá nhân, tưởng tượng xn cho kết quả bạn bị ung thư mà khả năng thực sự chỉ có 50%, sau đó là bạn phải trải qua hàng loạt xn khác, kể cả loại xâm lấn như sinh thiết, rồi lo lắng, trầm cảm, suy sụp.

Rồi ngày nào trong cơn hoảng loạn, bạn về thú tội với vợ nhà rằng bạn lỡ có vợ bé mấy năm nay ở ngoài với con rơi, xin cho nó về lạy khi bạn ra đi. Vài bữa sau bs báo cho bạn chỉ là báo động giả, bạn hoàn toàn khoẻ mạnh, tới lúc đó bạn sẽ tức hộc máu mà chết, còn không chết thì ra đường mà ở.

Về mức độ cộng đồng, bạn tầm soát một loại ung thư hiếm gặp trên 1 triệu người, có 10000 người dương tính (1%), mà chỉ có 1000 người bệnh thực sự, thì lúc đó xã hội sẽ hoảng loạn như thế nào, lãng phí ra sao bạn thử tưởng tượng mà xem

Hy vọng mọi người đã hiểu tại sao không phải bệnh nào cũng tầm soát được, tuổi nào cũng thử được. Xn vô tội vạ không chỉ lãng phí mà còn nguy hiểm cho chính bạn.

Còn nếu đi khám mà bs cho thử “toàn bộ” thì xin đừng hỏi tôi, hỏi bs đó đi nha.

Nguồn: BS Hung Truong