Huyết áp cao (tăng huyết áp) là kẻ giết người thầm lặng?

0
1320
Huyết áp cao (tăng huyết áp) là kẻ giết người thầm lặng?

Nói là thầm lặng bởi có tới 56,9% người bệnh (ước tính 6,5 triệu người) bị tăng huyết áp đang không nhận thức được tình trạng bệnh tật của mình. Trong số 43,1% số người bệnh từng được thăm khám, chẩn đoán bị tăng huyết áp thì cũng chỉ có 14% bệnh nhân nhận được chăm sóc, điều trị  và có phương pháp kiểm soát bệnh.

Nói cách khác, có khoảng 10 triệu người đang bị tăng huyết áp không áp dụng phương pháp kiểm soát “kẻ giết người thầm lặng nguy hiểm nhất hiện nay”, thậm chí còn không biết đến sự rình rập của “kẻ giết người này”.

Theo TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), số người mắc tăng huyết áp trong cộng đồng tại Việt Nam vẫn đang có xu hướng tăng cao bởi các yếu tố nguy cơ gây bệnh trong cộng đồng vẫn đang không ngừng tăng.

Khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế: Tăng huyết áp nếu không được điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Đột quỵ, tai biến mạch máu não; suy tim, nhồi máu cơ tim; suy thận; giảm thị lực, mù lòa; tổn thương động mạch; rối loạn sinh lý nam…

Cụ thể, theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2015 có 45% nam giới hút thuốc; 77% nam giới uống rượu bia, trong đó gần một nửa uống ở mức nguy hại. Người dân Việt Nam vẫn đang giữ thói quen tiêu thụ muối ở mức cao, trung bình là 9,4gr mỗi ngày (nam giới là 10,5gr và nữ giới khoảng 8gr), gần gấp đôi mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới  (WHO) là dưới 5gr/ngày. Ngoài ra, thói quen lười vận động, thiếu vận động thể lực (khoảng 1/3 dân số) cũng là nguyên nhân gây tăng huyết áp.

Cũng theo TS. Trương Đình Bắc, dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia Phòng chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2025 nhằm kiểm soát tăng huyết áp và bệnh tim mạch nhưng việc quản lý bệnh trong cộng đồng vẫn chưa đạt hiệu quả cao do hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở chưa triển khai đầy đủ việc cung cấp các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm và lồng ghép quản lý bệnh liên tục, lâu dài.

Ví dụ với bệnh tim mạch nói chung và bệnh tăng huyết áp nói riêng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị cần có Chương trình can thiệp sớm HEART tại cơ sở bao gồm 6 module thực hành gồm: Tư vấn lối sống lành mạnh: Áp dụng phác đồ điều trị dựa trên bằng chứng; Tiếp cận thuốc và công nghệ thiết yếu; Đánh giá và quản lý nguy cơ; Chăm sóc theo nhóm; và Theo dõi, đánh giá.

Khuyến nghị là thế nhưng nhiều người Việt vẫn không biết đến hoặc có biết thì lại phớt lờ khuyến nghị để rồi rơi vào tình trạng sống chung với “kẻ giết người thầm lặng nguy hiểm nhất hiện nay” – tăng huyết áp.

Chỉ đến khi mắc phải những biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp như đột quỵ, tai biến mạch máu não; suy tim, nhồi máu cơ tim; suy thận; giảm thị lực, mù lòa; tổn thương động mạch; rối loạn sinh lý nam…, nhiều người bệnh mới thốt lên câu “giá như” thì đã bị suy giảm chất lượng cuộc sống nặng nề!

Còn bạn, phát hiện và kiểm soát sớm được tăng huyết áp, tiền tăng huyết áp hay không đều phụ thuộc vào hành động nhỏ của chính mình – theo dõi chỉ số huyết áp định kỳ và thăm khám bác sỹ nếu chỉ số huyết áp cao hơn mức 120mmHg (huyết áp tâm thu – systolic)/80mmHg (huyết áp tâm trương – diastolic)!