Cào nội mạc tử cung trước khi thụ tinh có làm tăng tỷ lệ có thai?

0
2454
Cào nội mạc tử cung trước khi thụ tinh ống nghiệm không làm tăng tỷ lệ có thai

Contents

Giả thiết cào nội mạc tử cung làm tăng khả năng có thai

Tỷ lệ sinh sống sau hỗ trợ sinh sản vẫn còn thấp, khoảng 25% đến 30% mỗi chu kỳ điều trị (Malizia et al. 2009). Rất nhiều phương pháp được áp dụng nhằm cải thiện tỷ lệ làm tổ đặc biệt trên nhóm bệnh nhân thất bại nhiều lần.

Gần đây, các nghiên cứu tập trung tìm phương pháp cải thiện khả năng chấp nhận của nội mạc tử cung đối với phôi. “Cào nội mạc tử cung” tỏ ra có hiệu quả nhất, khi những nghiên cứu đầu tiên báo cáo thành công khi áp dụng phương pháp này. Nhiều nghiên cứu sau đó cũng cho thấy hiệu quả của cào nội mạc tử cung.

Giả thiết được đưa ra là tác động của cào, sinh thiết, nạo làm tổn thương nhẹ lòng tử cung làm tăng các phản ứng viêm và phản ứng miễn dịch và làm phôi dễ làm tổ hơn. Một khảo sát cho thấy, có đến 83% các bác sĩ lâm sàng tại Anh, Úc và Newzealand chỉ định cào nội mạc tử cung (Lensen et al. 2016).

Tuy nhiên, các nghiên cứu được thực hiện trước đây có thiết kế nghiên cứu yếu, chưa rõ ràng, cỡ mẫu nhỏ. Một số nghiên cứu chỉ có tóm tắt kết quả, biến chứng chưa được báo cáo rõ. Các nghiên cứu sau này không thấy hiệu quả của cào nội mạc tử cung, thậm chí làm giảm tỷ lệ có thai. Cào nội mạc tử cung thực sự có làm cải thiện tỷ lệ thành công?

Nghiên cứu lâm sàng

Một nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng, đa trung tâm đánh giá hiệu quả của cào nội mạc tử cung trước điều trị thụ tinh ống nghiệm được đăng trên tạp chí danh tiếng New England Journal of Medicine đầu năm 2019 đã giúp trả lời câu hỏi trên (Lensen et al. 2019).

Phụ nữ có chỉ định thụ tinh ống nghiệm được chọn tham gia nghiên cứu. Loại bỏ những trường hợp xin noãn, bảo tồn sinh sản, tiền căn thủ thuật can thiệp lòng tử cung 3 tháng gần nhất, thủ thuật chuyển phôi và bơm tinh trùng được chấp nhận. Nhóm can thiệp được thực hiện cào nội mạc tử cung vào ngày 3 vòng kinh trước chu kỳ điều trị và ngày 3 vòng kinh của chu kỳ điều trị. Quá trình kích thích buồng trứng, chuyển phôi và hỗ trợ hoàng thể theo đúng phác đồ chuẩn.

Kết quả có 1364 phụ nữ tham gia vào nghiên cứu, trong đó 690 tham gia nhóm can thiệp và 674 nhóm chứng. Các đặc điểm bệnh nhân, đặc điểm kích thích buồng trứng không có sự khác biệt giữa hai nhóm.

Tỷ lệ thai sinh sống, sẩy thai giữa nhóm cào nội mạc tử cung và nhóm không can thiệp lần lượt là 26.1% và 26.1% (aOR = 1.00; 95%[CI] = 0.78 – 1.27; p = 0.97), 5.2% và 4.5% (aOR = 1.17; 95%[CI] = 0.10 – 1.94; p = 0.97). Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Các tỷ lệ thai lâm sàng, đa thai, thai ngoài tử cung cũng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Không có bằng chứng cho thấy bất kỳ lợi ích nào của cào nội mạc tử cung so với nhóm chứng ở những trường hợp thất bại làm tổ ít nhất hai lần hay ít nhất một lần. Các bất lợi được báo cáo gồm đau, tăng chi phí điều trị, tốn thêm nhiều thời gian tái khám.

Điểm mạnh của nghiên cứu là cỡ mẫu lớn, đa trung tâm, thiết kế nghiên cứu tốt. Hạn chế của nghiên cứu bao gồm không được làm mù, định nghĩa thất bại làm tổ chỉ dựa vào số lần chuyển phôi mà không bao gồm chất lượng và tuổi phôi, và cuối cùng các báo cáo về đau và chảy máu chỉ được báo cáo ở nhóm can thiệp mà không có so sánh với nhóm chứng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu RCT đa trung tâm về hiệu quả của cào NMTC cho thấy, cào NMTC làm giảm khả năng có thai khi chuyển phôi TTTON.

Đây là một nghiên cứu được Bộ Y tế Pháp tài trợ thực hiện ở nhiều trung tâm TTTON lớn ở Pháp.

Kết quả của nghiên cứu vừa được đăng trên số tháng 1/2019 tạp chí Human Reproduction. Đây là một trong những tạp chí Y khoa về Sinh sản uy tín nhất thế giới hiện nay.

Cào nội mạc tử cung làm giảm tỉ lệ có thai
Cào nội mạc tử cung làm giảm tỉ lệ có thai

Kết luận

Cào nội mạc tử cung trước điều trị thụ tinh ống nghiệm không làm tăng tỷ lệ có thai, đặc biệt ở nhóm thất bại làm tổ ít nhất hai lần. Thủ thuật có thể làm tăng chi phí và gây đau cho bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo

  1. Malizia, B.A., Hacker, M.R., and Penzias, A.S., 2009. Cumulative Live-Birth Rates after In Vitro Fertilization. New England Journal of Medicine, 360 (3), 236–243.
  2. Lensen, S., Sadler, L., and Farquhar, C., 2016. Endometrial scratching for subfertility: everyone’s doing it. Human Reproduction, 31 (6), 1241–1244.
  3. Lensen, S., Osavlyuk, D., Armstrong, S., Stadelmann, C., Hennes, A., Napier, E., Wilkinson, J., Sadler, L., Gupta, D., Strandell, A., Bergh, C., Vigneswaran, K., Teh, W.T., Hamoda, H., Webber, L., Wakeman, S.A., Searle, L., Bhide, P., McDowell, S., Peeraer, K., Khalaf, Y., and Farquhar, C., 2019. A Randomized Trial of Endometrial Scratching before In Vitro Fertilization. New England Journal of Medicine, 380 (4), 325–334.

Có thể bạn quan tâm

Điểm mặt 7 nguyên nhân khiến nam giới không có tinh trùng

Cách tính thời điểm ‘yêu’ dễ có thai

Kiêng xuất tinh sau 2h: Cải thiện tốc độ di động của tinh trùng trong tinh dịch