Hỏi – Bác sĩ trả lời về những câu hỏi vô sinh hiếm muộn thường gặp

0
1681
Hỏi - Bác sĩ trả lời về những câu hỏi hiếm muộn thường gặp

alydarpharma.com xin giới thiệu đến quý độc giả các câu hỏi về vô sinh hiếm muộn thường gặp và được các Bác sĩ đầu ngành trả lời ở bài viết dưới đây mời các bạn cùng tìm hiểu.

Contents

CÁC CÂU HỎI VỀ HIẾM MUỘN THƯỜNG GẶP ( P1)

1. Chào bác sĩ, vợ chồng em lấy nhau được hơn 1 năm mà chưa có con. Bây giờ chúng em muốn đi khám thì như thế nào ạ?

→ Trả lời:

Chào bạn,nếu trong 1 năm vợ chồng bạn sinh hoạt bình thường mà chưa có em bé thì vợ chồng bạn thuộc đối tượng hiếm muộn. Để kiểm tra khả năng sinh sản, vợ chồng bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa hiếm muộn, hỗ trợ sinh sản để khảo sát nhiều yếu tố theo quy trình sau:

– Với vợ:

+ Thời điểm có kinh ngày 2 hoặc ngày 3 đến xét nghiệm máu và siêu âm.
+ Thời điểm sạch kinh 2 đến 3 ngày, kiêng giao hợp đến khám.

-Với chồng:

+ Thời điểm kiêng xuất tinh 2-7 ngày đến khám và xét nghiệm tinh dịch.

2. Vợ chồng tôi muốn khám vô sinh. Bác sĩ cho tôi hỏi cần làm những xét nghiệm gì?

→ Trả lời:

Chào anh chị, để kiểm tra khả năng sinh sản cần khảo sát nhiều yếu tố và tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, có những xét nghiệm cơ bản sau:

· Xét nghiệm nội tiết và AMH (nữ).
· Chụp phim tử cung- vòi tử cung (nữ).
· Tinh dịch đồ (nam).
· Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (nam và nữ).

CÁC CÂU HỎI HIẾM MUỘN ( P2)

Lê Lan – ba đình : Chào chị, em lấy chồng được hơn 1 năm, kinh nguyệt không đều. Em muốn kiểm tra nội tiết có vấn đề gì không, vậy muốn kiểm tra nội tiết thì làm xét nghiệm gì ạ?

→ Trả lời:
Chào bạn, xét nghiệm nội tiết là một loại xét nghiệm máu được thực hiện vào thời điểm có kinh ngày 2-3 nhằm đánh giá chức năng của trục nội tiết hạ đồ-tuyến yên -buồng trứng. Tuy nhiên, để khám hiếm muộn cần thiết khám kết hợp cả vợ và chồng . Vợ chồng bạn nên đến các chuyên khoa hỗ trợ sinh sản để được tư vấn tốt nhất.
Cảm ơn bạn.

MINH HẰNG – CAO BẰNG . Bác sĩ ơi, vợ chồng em lấy nhau gần 2 năm, liệu ống dẫn trứng của em có bị tắc không mà em chưa có con?

→ Trả lời:

Chào bạn, kiểm tra khả năng sinh sản gồm nhiều bước thám khám và thực hiện xét nghiệm. Chụp phim vòi tử cung (vòi trứng) giúp đánh giá tình trạng thông, tắc của hai vòi tử cung và tình trạng buồng tử cung. Việc này được thực hiện vào thời điểm sạch kinh 2-3 ngày, kiêng giao hợp. Điều kiện là không viêm âm đạo, xét nghiệm Chlamydia âm tính. Tuy nhiên đây chỉ là 1 bước trong quy trình khám hiếm muộn. Bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa hiếm muộn, hỗ trợ sinh sản để được tư vấn tốt nhất.

CÂU HỎI HIẾM MUỘN ( P3 )

1. LOAN – NAM ĐỊNH : Chào bác sĩ em năm nay 32 tuổi đã có 1 con, kinh nguyệt không đều. Vợ chồng em muốn có con 3 năm nay mà chưa có, chồng em khỏe bình thường hôm tới em xuống khám 1 mình được không?

→ Trả lời:

Chào bạn, trong các nguyên nhân vô sinh các yếu tố về phía nam chiếm 40% tương đương các yếu tố về phía nữ. Do đó khám hiếm muộn cần thiết phải thăm khám khả năng sinh sản của người chồng để có thể đưa ra chẩn đoán và hướng hỗ trợ tốt nhất. Bạn nên nói đến chồng khám vào thời điểm kiêng xuất tinh 2-7 ngày và được bác sĩ tư vấn.
Cảm ơn bạn.

2. VUI – HƯNG YÊN: Cho em hỏi bơm tinh trùng ở viện có phức tạp không ạ? Vợ chồng em cần chuẩn bị gì ạ?

→ Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ của chúng tôi. Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (viết tắt là IUI) là một biện pháp hỗ trợ sinh sản làm tăng tỷ lệ có thai ở một số trường hợp hiếm muộn. Điều kiện để thực hiện thủ thuật là ít nhất có 1 bên vòi tử cung thông, tinh trùng đủ số lượng cần thiết. Do đó, vợ chồng bạn cần thăm khám theo quy trình khám hiếm muộn, nếu có chỉ định, bác sĩ sẽ hướng dẫn làm hồ sơ IUI. Hồ sơ gồm có các xét nghiệm cần thiết và quan trọng là giấy đăng kí kết hôn và chứng minh thư của vợ và chồng. Tuy nhiên, vợ chồng bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Hỗ trợ sinh sản để được tư vấn tốt nhất vì mỗi biện pháp có những chỉ định khác nhau tùy trường hợp bệnh nhân cụ thể.

3. MẠNH – ĐỐNG ĐA: Thụ tinh nhân tạo và thụ tinh ống nghiệm có khác nhau không ạ?

→ Trả lời:

Thụ tinh nhân tạo là phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung, viết tắt là IUI. Tinh dịch sau khi được lấy ra sẽ được tiến hành lọc rửa để lại lượng tinh trùng trong một thể tích rất nhỏ. Sau đó, dùng một ống nhỏ mềm bơm lượng tinh trùng này vào buồng tử cung. Tinh trùng và trứng vẫn phải tự thụ tinh. Phương pháp này làm tăng tỷ lệ có thai ở một số trường hợp hiếm muộm.

Thụ tinh ống nghiệm viết tắt là IVF là phương pháp kết hợp trứng và tinh trùng trong môi trường ống nghiệm để tạo thành phôi rồi chuyển phôi vào buồng tử cung để phôi làm tổ. Phương pháp này có tỷ lệ thành công cao hơn và chi phí cao hơn thụ tinh nhân tạo.

CÂU HỎI HIẾM MUỘN ( P4)

1. MAI – THƯỜNG TÍN : Em năm nay 21 tuổi, chưa có gia đình. Tuần tới em bắt đầu điều trị hóa chất vì em bị ung thư. Em tìm hiểu thấy Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có dịch vụ lưu trữ tinh trùng. Anh, chị cho biết thông tin cụ thể được không ạ? Em cảm ơn anh chị.

→ Trả lời:

Chào bạn, khoa Hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện lưu trữ tinh trùng cho nhiều cặp vợ chồng và một số trường hợp như bạn. Bạn sẽ kiêng xuất tinh 2-7 ngày đến lấy mẫu tinh trùng và làm thủ tục xin lưu trữ tinh trùng. Quá trình này rất đơn giản và không mất nhiều thời gian. Bạn cần mang theo chứng minh nhân dân.
Rất hân hạnh được đón tiếp bạn.

2.OANH – Ý YÊN – NAM ĐỊNH: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có làm thụ tinh ống nghiệm không và thời gian chờ được làm có lâu không?

→ Trả lời:

Khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện kĩ thuật thụ tinh ống nghiệm 10 năm nay và đã chào đón hàng trăm cháu bé ra đời. Bệnh viện luôn tạo điều kiện cho bệnh nhân đến sử dụng dịch vụ nhất là thủ tục hành chính. Nếu bạn có chỉ định thụ tinh ống nghiệm và đủ xét nghiệm cần thiết, bạn sẽ làm hồ sơ.

Hồ sơ làm thụ tinh ống nghiệm gồm có:

· Xét nghiệm nội tiết và AMH (nữ).
· Phim chụp tử cung- vòi tử cung (nữ).
· Xét nghiệm Chlamydia (nữ).
· Xét nghiệm tế bào âm đạo-cổ tử cung (nữ).
· Xét nghiệm cơ bản (nữ và nam).
· Điện tâm đồ và khám tiền mê (nữ).
· Phim chụp tim phổi thẳng (nữ).
· Tinh dịch đồ (nam).

Thời gian chờ hội chẩn không quá 1 tháng.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ của chúng tôi.

CÂU HỎI HIẾM MUỘN ( P5 )

1 PHỤNG – HÀ NAM . Bác sĩ ơi, em đang kích trứng hôm nay là ngày thứ 3, em có cần chú ý gì không, có cần kiêng hay bổ sung gì không?

→ Trả lời:

Quá trình kích thích buồng trứng sử dụng thuốc nội tiết kích thích nang trứng phát triển. Quá trình dùng thuốc có bất kì biểu hiện gì bất thường: mẩn ngứa, dị ứng, đau đầu,… bạn có thể tư vấn bác sĩ điều trị. Bạn có thể sinh hoạt bình thường, chú ý ăn uống đầy đủ chất và đặc biệt các vitamin như vitamin A, C, E…, không cần kiêng kị gì.

2. MINH – BA VÌ : Em được bác sĩ chỉ định làm thụ tinh ống nghiệm. Em lo lắng không biết dùng thuốc kích trứng có tác dụng phụ gì không, có ảnh hưởng gì đến em bé không?

→ Trả lời:

Chào bạn, thụ tinh ống nghiệm đã có lịch sử hơn 40 năm nay và đã có hàng ngàn em bé thụ tinh ống nghiệm khỏe mạnh ra đời. Các nghiên cứu không thấy sự khác biệt giữa các em bé thụ tinh ống nghiệm và các em bé tự nhiên. Quá trình dùng thuốc kích trứng cũng như dùng thuốc nói chung, có thể có phản ứng dị ứng, xuất huyết tại chỗ tiêm, hiếm gặp các phản ứng dị ứng toàn thân.

3. ĐÀO – NGHỆ AN: Sáng nay, em vừa chọc trứng. Chiều về, em thấy tức bụng. Vậy có sao không bác sĩ?

→ Trả lời:

Thụ tinh ống nghiệm có một biến chứng là quá kích buồng trứng. Căng tức bụng, khó thở, buồn nôn, nôn… là những triệu chứng của quá kích buồng trứng. Tuy nhiên, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám kịp thời và tư vấn tốt nhất. Không tự ý dùng thuốc hay tự điều trị.

CÂU HỎI HIẾM MUỘN ( P6 )

1. MAI – TÂY HỒ. Sau chuyển phôi, mọi người nói em phải nằm bất động trên giường có đúng không bác sĩ?

→ Trả lời:

Chào bạn, đó là suy nghĩ không đúng của nhiều người. Mọi người nghĩ rằng nằm yên thì phôi chuyển vào buồng tử cung sẽ không trôi ra ngoài. Tuy nhiên, điều này lại gây tác dụng ngược lại so với mong muốn. Ở tư thế nằm, tư thế tử cung không thuận lợi, không nằm ngang để có thể giữ yên phôi. Hơn nữa, phôi là tế bào rất nhỏ và không có sự chuyển động để có thể trôi ra ngoài. Việc nằm bất động gây áp lực về tâm lý và những nguy cơ viêm tắc mạch do dòng máu bị ứ chệ, kém lưu thông. Tỷ lệ làm tổ của phôi phụ thuộc vào sự chấp nhận của nội mạc tử cung và tiềm năng phát triển của phôi, không phụ thuộc vào việc bạn bất động hay không bất động. Bạn nên sinh hoạt bình thường, đi lại nhẹ nhàng. Chúc bạn may mắn.

2. KHÁNH – BẮC NINH: Vợ chồng em làm thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viên và chuyển phôi tươi tháng 7 vừa rồi nhưng không có thai. Bao giờ em có thể chuyển phôi tiếp được và cần chuẩn bị những gì ?

→ Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng chúng tôi. Chuyển phôi trữ lạnh có thể thực hiện ngay sau chu kì chuyển phôi tươi mà không ảnh hưởng đến kết quả chuyển phôi. Tuy nhiên, bạn cũng có thể nghỉ ngơi, chuẩn bị tốt về tâm lý, sức khỏe cũng như tài chính. Trước chu kì dự kiến chuyển phôi, bạn nên đến khám phụ khoa điều trị viêm âm đạo nếu có. Chu kì chuẩn bị chuyển phôi sẽ bắt đầu từ ngày 2-3 vòng kinh.

3. DUYÊN – CẨM PHẢ: Sau chuyển phôi bao lâu thì biết là có thai hả bác sĩ?

→ Trả lời:

Chào bạn, sau chuyển phôi 14 ngày, bạn sẽ đến các cơ sở y tế chuyên khoa xét nghiệm chỉ số β- hCG trong máu để theo dõi và tiên lượng khả năng có thai. Từ đó, bác sĩ sẽ có tư vấn và điều trị hỗ trợ cần thiết.

Bạn không nên thử thai bằng nước tiểu vì xét nghiệm này có độ nhạy không cao, dễ gây dương tính giả và âm tính giả. Bạn không nên xét nghiệm sớm trước 14 ngày vì kết quả kém chính xác dễ gây hoang mang lo lắng cho bản thân.

Nếu xung quanh thời điểm 14 ngày sau chuyển phôi, bạn có triệu chứng như đau bụng, ra máu thì vẫn đến khám và xét nghiệm để loại trừ những trường hợp mang thai bất thường như chửa ngoài tử cung,…