Mạn đàm: CHUYỆN ĂN UỐNG

0
1301
Mạn đàm: CHUYỆN ĂN UỐNG

Vừa rồi tôi có bàn đến cuộc cách mạng về lương thực trong những thập niên 40 và 60 thế kỷ 20, trong trang cá nhân của tôi Hung Ngo , đã giúp tăng sản lượng lương thực thế giới lên gấp 4 lần kể từ đầu thế kỷ. Giúp cứu rỗi thế giới này.

Cuộc cách mạng năng suất khiến sản lượng lương thực đi lên đồng nghĩa với các phương pháp chế biến công nghiệp dần dần thay thế truyền thống để đáp ứng kịp nhu cầu của sự gia tăng dân số.

Loài người khi đó lại bắt đầu tiếc nhớ quá khứ và tìm về phương pháp canh tác cổ xưa. Họ cho rằng đó mới là thuận tự nhiên. Cũng giống khoa học, tất cả phát triển theo 1 vòng xoáy và lặp lại, đến lúc nào đó nó lại quay về chỗ cũ nhưng ở mức cao hơn.

Tôi lấy ví dụ về nhu cầu thưởng thức âm thanh, trước đây chỉ có analog qua đĩa than, rồi băng từ. Sau này thập kỷ 70 thế kỷ 20 phát triển âm thanh kỹ thuật số, toàn thế giới đã chuyển mình 1 cách mạnh mẽ và âm thanh digital dần dần phổ biến thay thế âm thanh analog bằng các đĩa CD, đến giờ là máy nghe nhạc mp3. Sau rồi những người chơi âm thanh lại thấy việc ngồi chuẩn bị và phối ghép âm thanh mới có ý nghĩa và là 1 phần của thưởng thức âm nhạc, rồi họ thấy âm thanh analog mịn màng hơn digital. Cuối cùng dân chơi âm thanh lại quay trở lại với analog.

Nhu cầu ăn uống cũng giống như vậy. Bắt đầu xuất hiện các trào lưu khác nhau về việc ăn cái gì. Đôi khi các trào lưu đó lý luận đối ngược nhau. Thực dưỡng ăn chay không ăn thịt(sau đó biến tướng thành thực dưỡng cực đoan ở Việt Nam), ăn lowcab giảm carbonhydrad và tăng cường ăn thịt… Tất cả đều vì mục đích là sức khoẻ. Điều đó có đúng đắn hay không?

Bắt đầu xuất hiện các trào lưu khác nhau về việc ăn cái gì.
Bắt đầu xuất hiện các trào lưu khác nhau về việc ăn cái gì.

Gần đây rộ lên phong trào thực dưỡng theo lý thuyết “Nhân tố enzyme” đình đám, kiềm hoá cơ thể, khuyến khích ăn các loại hạt, thực phẩm nguyên cám… Hạn chế thịt đỏ… Để đánh thức các enzyme cổ xưa tồn tại trong hệ gen gì đó (?!). Nghe thì rất hoành tráng và logic, nó giúp con người bước sang 1 trang mới ư? Không hẳn thế.

Lý thuyết ấy chỉ đề cập đến 1 khía cạnh, đó là con người. Còn 1 thứ mà người viết bỏ qua, đó là chọn lọc tự nhiên. Chọn lọc tự nhiên chính là cuộc chiến khốc liệt giữa vật chủ và con mồi. Nói gọn hơn ở bài viết này là con người và thức ăn của họ. Thực vật có can tâm để bị ăn hay không? Chắc chắn không. Thực vật theo thời gian và tiến hoá cũng sẽ tìm đủ mọi cách chống lại những kẻ ăn nó.

Ví dụ khoai tây, nó bảo vệ mầm bằng các alcaloid gây độc nếu bị ăn phải. Kẻ ăn nó sẽ bị đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy, rồi ảo giác và sốc. Cuối cùng là cái chết.

Các loài cây cũng có nhiều biện pháp để bảo vệ hạt giống của mình bằng các biện pháp khác nhau, đặc biệt là hạt mầm. Cái mà dân thực dưỡng cực đoan sung sướng gọi là ăn…SỰ SỐNG ấy, chứa đầy phytic và lectin giúp chống lại những kẻ ăn nó với các mức độ khác nhau. Chúng làm cơ thể khó tiêu hoá hơn, thậm chí có thể bị nhiễm độc. Một nghịch lý khá thú vị.

Hoặc như các ngũ cốc thô nguyên cám có giúp tiêu hoá tốt hơn không. Chắc chắn KHÔNG.

Tất cả chỉ là trào lưu mà thôi. Sự tiến hoá đã giúp con người lựa chọn cho mình thứ thực phẩm phù hợp cho số đông. Tạo hoá giống như một bài toán thống kê lớn. Những gì xác xuất xuất hiện và tồn tại tốt hơn sẽ phát triển bền vững, còn lại bị loại bỏ.

Tôi lấy ví dụ, hệ thống đông máu của con người và con vịt cơ bản là giống nhau. Tôi có thể lấy lý thuyết chống đông máu của người để đem ra áp dụng đánh tiết canh vịt được. Đó là bởi vì do chọn lọc tự nhiên đã giữ lại chất tối ưu nhất cho dòng máu trong cơ thể hầu hết mọi loài, đó là prothrombine. He he.

Việc ăn gì, như thế nào hãy lắng nghe cơ thể mình. Ăn sạch, uống sạch và cân bằng các nhu cầu. Đừng cực đoan trong suy nghĩ, ăn gì cũng được miễn sao phải cảm thấy ngon miệng.

Một người ăn một miếng thịt với cảm giác ngon miệng, chắc chắn dễ tiêu hoá và sống lâu hơn người chỉ ăn rau và suốt ngày than phiền cũng như chỉ trích người khác về quan điểm. Bởi, để cân bằng được dinh dưỡng, những người ăn rau sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều. Tuy thế, hiệu quả về mặt dinh dưỡng chả khác nhau là bao. Còn về mặt lý luận phòng tránh ung thư gì đó, thì chả có gì chứng minh được cả. Vậy nên, trước khi sợ hãi, chúng ta cứ hưởng thụ cuộc sống đi đã. Sao phải xoắn.

PS: quyển sách “Nghịch lý rau củ quả” này rất đáng đọc. Đó là 1 trong các cuốn sách về dinh dưỡng khá kỳ lạ. Một cách nhìn mới về ăn uống. Nhưng trước khi đọc nó thì cần phải có ít kiến thức về dinh dưỡng cơ bản cái đã, kẻo lại có cái nhìn cực đoan và hoang mang với những gì mình đang ngộ nhận. He he

Nguồn: Bác sĩ Hùng