Tập huấn “An toàn trong truyền máu”

0
1560
truyền máu

Máu và các chế phẩm từ máu được sử dụng ngày càng nhiều trong công tác chữa bệnh. Việc chỉ định đúng, sử dụng hợp lý máu và các chế phẩm máu là vô cùng quan trọng vì sai sót có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tổ chức tập huấn thường quy về an toàn truyền máu, được các chuyên gia đến từ Tổ chức REI trực tiếp chia sẻ và hướng dẫn. Qua đó, các nhân viên y tế được tham khảo cập nhật và áp dụng thực tiễn một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.

ThS. Nguyễn Hữu Dự - Phó Trưởng phòng Điều dưỡng, phát biểu và chủ trì buổi tập huấn
ThS. Nguyễn Hữu Dự – Phó Trưởng phòng Điều dưỡng, phát biểu và chủ trì buổi tập huấn

An toàn truyền máu là một quy trình khép kín gồm nhiều giai đoạn từ khi tuyển chọn người hiến máu, khám lâm sàng, làm các xét nghiệm sàng lọc, thu thập máu, sản xuất các chế phẩm máu, lưu trữ, phân phối máu… đến chỉ định truyền máu và thực hành truyền máu trên lâm sàng. Trong đó, giai đoạn sàng lọc để phát hiện các mầm bệnh nguy hiểm tiềm ẩn có trong máu truyền là yếu tố vô cùng quan trọng, giúp ngăn ngừa việc người nhận máu mắc phải các bệnh truyền nhiễm.
Công tác truyền máu là toàn bộ các hoạt động để đưa máu, chế phẩm máu vào người bệnh với mục đích chữa bệnh, thực chất là đưa thành phần sống của cơ thể này vào cơ thể khác. An toàn truyền máu là người nhận máu đạt được hiệu quả điều trị mà không bị ảnh hưởng xấu do truyền máu mang lại, người cho máu và những người khác (gồm cả nhân viên y tế) không bị ảnh hưởng sức khỏe.
Như vậy, có thể nói truyền máu chỉ đạt hiệu quả khi truyền máu an toàn. Hiện nay, thuật ngữ “an toàn truyền máu” phải được hiểu theo nghĩa rộng là an toàn cho người cho máu, an toàn cho nhân viên làm công tác truyền máu và an toàn cho người nhận máu. Trong an toàn truyền máu, việc sàng lọc các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu có tầm quan trọng rất lớn để góp phần chủ động ngăn ngừa tình trạng nhiễm bệnh của người nhận máu từ máu đã được truyền.
Qua buổi tập huấn, đội ngũ nhân viên y tế không những được cập nhật, chia sẻ các kiến thức chuyên môn mà còn được trang bị các kỹ năng cần thiết giúp nâng cao công tác phục vụ, chăm sóc người bệnh và bảo vệ chính mình. Ngoài ra, cần phối hợp tổ chức tuyên truyền cho cộng đồng hiểu về lợi ích cũng như tác hại của việc truyền máu, khuyến khích và hưởng ứng các chương trình hiến máu nhân đạo, góp phần cứu sống người bệnh và phòng tránh được các tai biến do truyền máu gây ra.
PV (ghi)