Hội thảo cập nhật “Tối ưu hóa việc sử dụng kháng sinh”

0
1327
PGS.TS Phạm Đức Huấn nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung hội thảo
PGS.TS Phạm Đức Huấn nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung hội thảo

Trước thực trạng gia tăng đáng báo động các bệnh truyền nhiễm và nhiễm khuẩn trong khi các vi khuẩn ngày càng đa kháng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phối hợp mời nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tình hình sử dụng kháng sinh.
Ngày 19/10/2018, tại Bệnh viện tổ chức Hội thảo chuyên môn về chủ đề “Tối ưu hóa việc sử dụng kháng sinh” với sự trình bày và chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực vi sinh và chống nhiễm khuẩn.
Tham dự và chủ trì hội thảo, PGS.TS Phạm Đức Huấn – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng vấn đề nhiễm khuẩn và kháng kháng sinh đang là một trong những vấn đề hết sức cấp thiết đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

PGS.TS Phạm Đức Huấn nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung hội thảo
PGS.TS Phạm Đức Huấn nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung hội thảo

Là chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, BSCKII. Nguyễn Hồng Hà – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chia sẻ với hội thảo báo cáo thực trạng tình hình “Nhiễm khuẩn nặng trong kỷ nguyên vi khuẩn đa kháng”. Các bệnh nhiễm khuẩn cấp gây ra các biến chứng đe dọa chức năng sống, nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, chính xác có thể dẫn đến tử vong. Một số nhiễm khuẩn nặng thường gặp như: nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng, viêm màng não mủ…
Hội thảo được nghe về chủ đề nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh có ý nghĩa thực tiễn
Hội thảo được nghe về chủ đề nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh có ý nghĩa thực tiễn

BS. Hà giới thiệu từng dạng bệnh nhiễm khuẩn nặng nói trên trong báo cáo và nhấn mạnh việc tiếp cận chẩn đoán bệnh sớm là vô cùng quan trọng. Tiếp đó cần phối hợp giữa điều trị căn nguyên sớm và điều trị hỗ trợ tích cực, sử dụng kháng sinh dựa trên dược động học/dược lực học (PK/PD) để tăng hiệu quả tối ưu của thuốc.
PGS.TS Lê Văn Phủng (Trường Đại học Y Hà Nội) trình bày tổng quan về “Chỉ định xét nghiệm vi sinh hợp lý trong chẩn đoán và điều trị”. Các bệnh truyền nhiễm thường được chẩn đoán theo 3 phương pháp: tìm kháng nguyên, tìm kháng thể, xác định tổn thương trên lâm sàng và các triệu chứng kèm theo thông qua các xét nghiệm để đưa ra nhiều chỉ số khác nhau. Việc ứng dụng xét nghiệm vi sinh với những kỹ thuật tiên tiến, trang thiết bị hiện đại đã giúp chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị kịp thời được nhiều bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Như vậy, nội dung hội thảo là một bức tranh toàn cảnh về tình hình bệnh lý nhiễm khuẩn hiện nay, sự gia tăng và tràn lan các chủng vi khuẩn kháng thuốc. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc cao. Do đó, cần cập nhật tình hình đề kháng và sử dụng kháng sinh tại địa phương, trong nước và trên thế giới để có sự lựa chọn chính xác. Lưu ý cách sử dụng kháng sinh, tuân thủ liều, theo dõi tiến triển lâm sàng và xét nghiệm, đánh giá đáp ứng điều trị để điều chỉnh cho phù hợp, đạt hiệu quả tối ưu.
PV (ghi)